Với tình hình như hiện tại, tôi có thể ví Việt Nam như các quốc gia tại châu Âu như Ý hoặc Đức về viễn thông”- Đó là lời ông Hakan Ekmen, CEO Telecommunication Umlaut, một đơn vị đo kiểm viễn thông hàng đầu thế giới khi nhận xét về nhà mạng Viettel.

Luôn đứng đầu các đợt đo kiểm uy tín về chất lượng mạng di động

Trong công bố kết quả đo kiểm chất lượng dịch vụ viễn thông của Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây, Viettel tiếp tục được xác định là mạng di động tốt nhất cả về 2G, 3G, 4G, và vượt tiêu chuẩn quy định ở tất cả các chỉ tiêu.

Cụ thể trong quý I/2021, tốc độ 4G của Viettel đạt 62,92 Mbps tại Thái Nguyên và 52,35 Mbps tại Bắc Ninh, vượt trội so với các nhà mạng khác từ 1,5 - 2,5 lần. Đối với mạng 3G đo kiểm tại tỉnh Tây Ninh và Bình Phước, Viettel đạt tốc độ trung bình 20,51 Mbps, trong khi các mạng khác ở mức 6 - 16 Mbps.

Ở các chỉ tiêu khác như độ sẵn sàng của mạng vô tuyến, thời gian trễ trung bình truy nhập dịch vụ, tỷ lệ truyền tải bị rơi, tỷ lệ cuộc gọi được thiết lập thành công… Viettel cũng đạt được kết quả chất lượng tốt hơn yêu cầu của Bộ.

leftcenterrightdel
  Viettel khai trương mạng 5G tại tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: CTV

Vào tháng 3-2021, Công ty OpenSignal công bố Báo cáo Trải nghiệm mạng di động Việt Nam 2021 cũng cho kết quả tương tự. Viettel đứng số 1 ở 6 hạng mục quan trọng nhất, bao gồm các trải nghiệm video, trò chơi, ứng dụng thoại, tốc độ tải xuống, khả năng cung cấp 4G và trải nghiệm vùng phủ sóng 4G.

Còn trước đó, Công ty đo kiểm viễn thông hàng đầu thế giới Umlaut ghi nhận Viettel là mạng di động tốt nhất Việt Nam và trao chứng nhận “Best in Test” với số điểm tương đương Singtel (Singapore), Telstra (Australia), T-Mobile, Vodafone, Telefonica (Đức).

Điểm số đạt được theo phương pháp đánh giá của Umlaut thể hiện năng lực của các nhà mạng toàn cầu trong việc cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Theo ông Hakan Ekmen, khung chấm điểm của Umlaut đánh giá toàn diện nhà mạng dựa trên vùng phủ và độ trễ đáp ứng các yêu cầu dịch vụ. Điều này phản ánh thực tế cảm nhận chất lượng dịch vụ của khách hàng trên mọi loại thiết bị đầu cuối và bao phủ tất cả khu vực từ thành thị tới nông thôn, miền núi, biển đảo…

Tại Việt Nam, Umlaut đã thu thập và phân tích hơn 370 triệu mẫu đo trong khoảng thời gian 6 tháng, bao phủ khoảng 99% khu vực địa lý có cư dân sinh sống. Các kết quả phân tích và đánh giá của Umlaut cho thấy, mạng lưới của Viettel là tốt nhất tại Việt Nam, đạt số điểm 886/1000 điểm - một mức điểm cực kỳ ấn tượng. Các tiêu chuẩn và kết quả đo kiểm của Umlaut được chứng nhận và phổ biến rộng rãi ở 120 quốc gia trên thế giới.

Giải mã số 1

Vị thế dẫn đầu về chất lượng dịch vụ của Viettel thực tế không phải là điều bất ngờ. Tại Việt Nam cũng như 10 thị trường quốc tế mà Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội đang hoạt động, chất lượng mạng lưới luôn là thế mạnh cốt lõi khi kinh doanh.

Để đảm bảo chất lượng phục vụ khách hàng, trong quý I/2021, Viettel đã tăng cường hạ tầng mạng lưới với gần 1.000 trạm BTS mới và áp dụng nhiều giải pháp mới như tự động hóa giám sát, tối ưu trải nghiệm đến từng khách hàng; thử nghiệm công nghệ 4G TDD trên băng tần 2300MHz, tích hợp và truyền dữ liệu đồng thời trên nhiều tần số để mở rộng năng lực cho các trạm ở khu vực đông người, giúp tăng tốc độ cho khách hàng Viettel.

leftcenterrightdel
 Viettel ứng dụng công nghệ 4.0 phân tích dữ liệu lớn trí tuệ nhân tạo điện toán đám mây để nâng cao chất lượng dịch vụ. Ảnh: CTV

Cho đến hiện tại, Viettel vẫn là mạng 4G lớn nhất Việt Nam với gần 42.000 trạm BTS và 33 triệu thuê bao. Năm 2021, Viettel sẽ đầu tư thêm khoảng 4.600 trạm 4G mới để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nâng cao chất lượng trải nghiệm dịch vụ. Trong quý I/2021, Viettel tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng về nhu cầu sử dụng data trên toàn quốc. Đặc biệt, lưu lượng data 4G tăng gần 10% so với quý IV/2020 và cao hơn quý I/2020 tới 40%.

Quá trình liên tục nâng cao chất lượng mạng của Viettel cũng gặp không ít những khó khăn. Nhu cầu của khách hàng ngày càng tăng, thời gian và tần suất sử dụng dịch vụ nhiều hơn, yêu cầu về trải nghiệm dịch vụ ngày càng cao. Song song với đó thì mạng lưới ngày càng phức tạp. Trước đây, hệ thống chỉ có 2G, 3G, còn bây giờ có 2G, 3G, 4G, 5G, trong khi tài nguyên tần số hữu hạn, đòi hỏi nhà mạng phải tính toán, sử dụng hiệu quả. Bên cạnh đó, dịch vụ viễn thông ngày nay rất đa dạng, trước đây chỉ đơn giản là nhắn tin, gọi điện, truy cập web, nhưng hiện nay đã chuyển dịch lên thoại chất lượng cao (VoLTE), 1 số điện thoại nhân bản thành nhiều SIM dùng cùng lúc nhiều thiết bị như điện thoại, máy tính bảng, đồng hồ thông minh (MultiSIM) hay dùng nhiều SIM trên 1 máy. Cùng với đó là xu hướng sử dụng điện thoại cho các nhu cầu mua sắm, thanh toán điện tử, học tập, hội họp trực tuyến… làm cho sự phụ thuộc giữa chất lượng mạng và thiết bị đầu cuối tăng lên so với trước kia.

Với những thách thức trên, Viettel không thể duy trì tối ưu theo cách truyền thống là xử lý từng phản ánh đơn lẻ, mà đòi hỏi phải phân tích dữ liệu lớn, chủ động phát hiện các trải nghiệm chưa tốt của khách hàng để nâng cao chất lượng trên diện rộng. Hệ thống của Viettel hiện nay có khả năng tự động nhận diện các vấn đề về dịch vụ của khách hàng, biết được nguyên nhân và đưa ra giải pháp khắc phục, cho dù khách hàng không cảm nhận được, cũng không phản ánh. Điều đặc biệt là tất cả các giải pháp này đều do chính các kỹ sư Viettel tự phát triển, tự “may đo” phù hợp với thực tế mạng lưới của mình, nhờ vậy, tính ưu việt và sự làm chủ công nghệ càng vượt trội so với các sản phẩm tương tự trên thế giới.

Cùng với vị thế tiên phong phát triển mạng 5G và IoT, Viettel vẫn coi 4G là công nghệ chủ đạo và tiếp tục đầu tư mạnh mẽ trong vòng 3 năm tới. Việc mở rộng không ngừng này nhằm đáp ứng tốc độ đô thị hóa của nước ta đang diễn ra rất nhanh và cũng là mục tiêu chuyển đổi số quốc gia, đưa 4G về vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo để người dân có thể yên tâm truy cập Internet vào bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu trên lãnh thổ Việt Nam.

NHƯ QUỲNH, Tổng Công ty Mạng lưới Viettel