Đó là sứ mệnh của Tổng Công ty Mạng lưới Viettel (VTNet) - đơn vị cốt lõi về kỹ thuật của Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel).
Những cuộc cách mạng về kết nối
Một trong những quyết định lịch sử và cuộc bùng nổ đầu tiên của viễn thông Việt Nam là khi Viettel phủ sóng di động 2G trên toàn quốc vào năm 2004. Dù đi sau nhưng với vùng phủ sâu rộng nhất, dung lượng lớn nhất và chất lượng mạng lưới tốt nhất, Viettel đã biến việc “alo” từ một dịch vụ xa xỉ trở thành nhu cầu thiết yếu cho mọi người dân như “cơm ăn, nước uống” hàng ngày. Sau khi vươn lên là nhà mạng số 1 Việt Nam vào năm 2008, Viettel tiếp tục khởi xướng cuộc cách mạng mới về dữ liệu khi đưa vào khai thác mạng di động 3G lớn nhất cả nước vào năm 2010 và là mạng duy nhất trên thế giới ngay khi khai trương đã phủ được 86% dân số.
Đến năm 2017, VTNet đã tạo nên một kỳ tích mới khi dựng nên mạng 4G lớn nhất với 36.000 trạm BTS, công nghệ 4 thu 4 phát chỉ trong vòng 6 tháng tiên tiến nhất thế giới. Mạng 4G của Viettel đã thúc đẩy nhu cầu sử dụng dữ liệu, lưu lượng năm sau luôn cao gấp đôi năm trước, giúp người dân Việt Nam dễ dàng tiếp cận, chia sẻ thông tin, hình ảnh, video, tường thuật trực tuyến để làm việc, học tập, giải trí hay kinh doanh.
Hạ tầng băng rộng cố định của VTNet phủ đến tận xã với 380.000km, gấp hơn 9 lần chu vi trái đất và 11 triệu cổng GPON, phục vụ gần 6 triệu khách hàng. Mạng lưới Viettel cũng đang có 6 hướng kết nối ra quốc tế qua cả đường biển và đất liền.
Giữa bối cảnh nhu cầu dịch vụ tăng cao qua các năm gần đây, VTNet vẫn đảm bảo tốt tài nguyên mạng lưới để mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. Vùng phủ 2G, 3G, 4G đều tốt hơn 20 - 40% so với các nhà mạng khác trên toàn quốc. Mạng lưới Viettel luôn được ghi nhận đạt chất lượng tốt nhất trong các nhà mạng tại Việt Nam thông qua tất cả các chương trình đo kiểm đối với dịch vụ thoại di động, Internet di động. Công ty đo kiểm tốc độ Internet toàn cầu Ookla trao cho Viettel giải Mạng di động có tốc độ nhanh nhất tại Việt Nam. Hãng Umlaut mới đây cũng công bố Viettel là Mạng di động tốt nhất Việt Nam và thuộc nhóm các nhà mạng hàng đầu trên thế giới.
    |
 |
VTNet đang quản lý, điều hành mạng lưới Viettel ở Việt Nam và 10 thị trường nước ngoài. Ảnh: CTV |
Hạ tầng mạng lưới sâu rộng với chất lượng vượt trội của VTNet đã tạo tiền đề Viettel làm nên 2 cuộc cách mạng trong viễn thông. Đó là cuộc cách mạng phổ cập điện thoại di động để mỗi người dân Việt Nam có một chiếc điện thoại di động và cuộc cách mạng Internet di động băng rộng để mỗi người dân có một chiếc điện thoại thông minh.
Kết hợp sản xuất kinh doanh với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh
Sinh ra từ Quân đội, trưởng thành từ Quân đội, VTNet luôn nhận thức sâu sắc việc phát triển hạ tầng mạng lưới phục vụ sản xuất, kinh doanh kết hợp với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Từ năm 2007, sóng Viettel đã xuất hiện ở Trường Sa. Đến nay, toàn bộ Quần đảo này cũng như các nhà giàn, đồn biên phòng trên toàn quốc đều có mạng Viettel hiện diện. Mục tiêu của VTNet là ở đâu có dân, có bộ đội thì phải có sóng Viettel. Hằng năm, Tổng Công ty liên tục mở rộng, nâng cấp, củng cố và bảo dưỡng hạ tầng mạng lưới ở khu vực biển đảo, đồn biên phòng. Sóng Viettel đã vươn xa, phủ khắp các vùng biển, dọc biên giới, phục vụ đắc lực cho công cuộc chinh phục đại dương, phát triển kinh tế và bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Về công nghệ, ngoài giải pháp đặc thù cho các trạm 2G, hiện nay, các trạm 3G, 4G biển đảo của VTNet đều sử dụng công nghệ khuếch đại đa sóng mạng để đạt được công suất cao kết hợp với tính năng phủ xa và ưu thế về độ cao so với mực nước biển. Khi bật tính năng này, vùng phủ trạm 3G, 4G của Viettel có thể tăng từ 30km lên tối đa 180km.
Nỗ lực phát triển hạ tầng mạng lưới của VTNet đã rút ngắn khoảng cách số giữa khu vực thành thị với nông thôn, vùng sâu vùng xa; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, kích cầu đầu tư, nâng cao dân trí, đẩy nhanh xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội. Dịch vụ viễn thông và CNTT của Viettel đã giúp gần 10 triệu đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận được với thông tin xã hội, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, tạo điều kiện phát triển dân sinh, kinh tế - xã hội, giúp Nhân dân xóa đói giảm nghèo cũng như góp phần bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa và ngôn ngữ của mình.
VTNet cũng là đơn vị đảm bảo thông tin liên lạc cho nhiệm vụ phòng, chống diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ, phòng, chống tội phạm công nghệ cao; là đơn vị bảo đảm chính các dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin phục vụ Đại hội XII, XIII của Đảng, Hội nghị cấp cao APEC, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên…
Khi có thiên tai như mưa bão, lũ lụt, sạt lở, VTNet luôn chủ động ứng phó, điều hành quyết liệt. Sự đồng tâm hiệp lực của cả bộ máy kết hợp với thế mạnh của phần mềm, công cụ đã giúp hạ tầng mạng lưới Viettel vững chắc trước thiên tai. Thời gian khôi phục 100% dịch vụ di động từ 0,5 - 2,5 ngày, nhanh hơn chỉ tiêu yêu cầu. Chất lượng mạng Viettel qua các cơn bão đều tốt hơn các nhà mạng khác. Trong giai đoạn bão năm 2020, VTNet đã hoàn thành khai báo chuyển vùng cho gần 2 triệu thuê bao của các nhà mạng khác sang Viettel tại một số tỉnh chịu ảnh hưởng lớn của bão để duy trì kết nối thông tin liên lạc cho người dân. Đây là lần đầu tiên VTNet áp dụng giải pháp chuyển vùng quốc gia trên quy mô lớn cho toàn bộ mạng lõi di động. Mạng lưới an toàn, thông suốt của Viettel cũng hỗ trợ tích cực cho lực lượng chức năng trong công tác cứu hộ, cứu nạn tại địa phương.
Tiên phong và tự chủ công nghệ
Sau gần 20 năm xây dựng và phát triển, VTNet đã và đang tiến hành công cuộc chuyển dịch từ một công ty chuyên về vận hành khai thác trở thành một công ty công nghệ với mục tiêu tiên phong kiến tạo hạ tầng số lớn nhất Việt Nam, trở thành hạ tầng quan trọng của quốc gia trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Năm 2019, các kỹ sư VTNet đã thử nghiệm thành công cuộc gọi 5G đầu tiên tại Việt Nam; năm 2020, VTNet đã hoàn thành phát sóng hơn 100 trạm 5G tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Thủ Đức và trở thành nhà mạng đầu tiên thử nghiệm thương mại, đưa dịch vụ 5G đến khách hàng sớm nhất. VTNet đã xây dựng mạng 5G có quy mô lớn nhất, công nghệ hiện đại nhất, thiết kế liền mạch nhất để đem đến trải nghiệm tốt nhất cho người dùng. Các trạm 5G của Viettel sử dụng thiết bị có cấu hình cao nhất thế giới hiện nay, 64 thu 64 phát của hãng Ericsson Thụy Điển. Cùng với đó là các trạm 5G do chính Viettel nghiên cứu, sản xuất. Tốc độ 5G Viettel đo kiểm khi di chuyển ngoài trời vẫn duy trì ở mức 800Mbps - 1.2 Gbps, tốt hơn các nước phát triển đi đầu về 5G. Ngay từ khi bắt đầu triển khai 5G, các kỹ sư VTNet đã tự nghiên cứu và làm chủ toàn bộ trình tự thiết kế, lắp đặt, phát sóng, vận hành khai thác, tối ưu.
Không chỉ vậy, VTNet còn khẳng định vai trò chủ lực của Viettel trong phát triển các nền tảng hạ tầng số phục vụ cách mạng 4.0. Hơn 80% máy chủ công nghệ thông tin của VTNet được chuyển đổi lên hạ tầng điện toán đám mây Viettel Cloud. Đây là nền tảng do kỹ sư VTNet chủ động xây dựng, không phụ thuộc vào đối tác, đạt giải Sao Khuê và nằm trong nhóm 19% các hạ tầng điện toán đám mây mã nguồn mở lớn nhất thế giới. VTNet cũng là đơn vị tiên phong triển khai thành công các nền tảng Internet vạn vật (NB-IoT, LTE-M), eSim, MultiSim, VoLTE… góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ở Viettel và đưa nước ta song hành với thế giới về công nghệ.
Năm 2020, VTNet đạt nhiều chứng nhận danh giá trên thế giới như Uptime Tier III về thiết kế tổng trạm, tiêu chuẩn ISO/IEC 17020 đầu tiên tại Việt Nam về tổ chức thẩm định chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn ISO 9001 về quản lý chất lượng, ISO 27001 về an toàn thông tin, ISO 27017 về kiểm soát bảo mật an toàn thông tin cho lĩnh vực điện toán đám mây… Gần 300 cán bộ, nhân viên của VTNet sở hữu các chứng chỉ quốc tế về chuyên môn, trong đó có nhiều nhân sự đạt cấp độ cao nhất của các lĩnh vực IP, Cloud, Cơ điện, ITIL. 15 năm qua, VTNet đã tham gia tích cực vào chiến lược đầu tư quốc tế của Viettel. Các kỹ sư ở đây luôn xung phong đi khảo sát, thiết kế, quy hoạch, triển khai hệ thống, vận hành khai thác, tối ưu mạng lưới cho tất cả 10 thị trường nước ngoài của Viettel từ Campuchia, Lào,
Haiti, Mozambique, Đông Timor, Peru, Cameroon, Tanzania, Burundi, Myanmar.
Đồng hành cùng cả nước chống đại dịch
Đặc biệt, từ khi dịch Covid-19 phát hiện tại Việt Nam, với quan điểm “sớm hơn, cao hơn và tốt hơn mức quy định”, VTNet đã chủ động kích hoạt các kế hoạch, phương án đảm bảo chất lượng hạ tầng mạng lưới. Các cán bộ, kỹ sư đã tổ chức giám sát theo thời gian thực 24/7 đối với tất cả các hệ thống dịch vụ trên toàn quốc, đảm bảo kịp thời băng thông, đường truyền, bổ sung tài nguyên cho các hướng cáp quang kết nối trong nước và quốc tế, mở rộng dung lượng các trạm thu phát sóng, tăng cường xe cơ động cho các khu vực đông người.
VTNet đã cấp tốc triển khai ứng dụng hệ thống Khai báo y tế điện tử khả năng đáp ứng tới 50 triệu lượt khai báo cho toàn dân sau 10 giờ nhận lệnh (thông thường phải mất 7 ngày). Đến nay, hệ thống đã ghi nhận gần 30 triệu lượt kê khai. Số lượt khai báo trong ngày cao điểm của tháng 2/2021 gấp 25 lần so với tháng trước đó.
Các công nghệ 4.0 như điện toán đám mây (Cloud), phân tích dữ liệu lớn (Big Data)... cũng được ứng dụng triệt để nhằm mang lại hiệu quả ưu việt nhất cho các giải pháp. Trong đó, Analytics Platform có khả năng đánh giá chính xác quãng đường di chuyển, số điểm dừng trung bình trên ngày,… để đưa ra bức tranh tổng thể về việc tuân thủ giãn cách xã hội của người dân, giúp cơ quan chức năng điều hành phù hợp với diễn biến dịch bệnh. Đồng thời, hỗ trợ đắc lực cho Chính phủ và Bộ Y tế trong việc phát hiện đám đông, cảnh báo đưa ra hành động nhằm hạn chế tụ tập đông người.
Ngoài ra, VTNet còn triển khai hệ thống khám chữa bệnh từ xa Telehealth, học tập trực tuyến Viettel Study, cầu truyền hình, phát âm thông báo, đổi tên mạng trên màn hình điện thoại thành thông điệp tuyên truyền… Với các giải pháp kịp thời và toàn diện đó, VTNet đã góp phần cùng Đảng, Nhà nước, Chính phủ, toàn xã hội phòng chống, ngăn chặn có hiệu quả với đại dịch Covid-19 thời gian qua. Không chỉ tại Việt Nam, giữa ảnh hưởng mạnh của dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới, VTNet đã hỗ trợ các thị trường nước ngoài của Viettel giải quyết nhiều vấn đề khó như xây dựng phương án ứng cứu thông tin, diễn tập chuyển trạng thái điều hành về VTNet trong trường hợp có nguy cơ bị cô lập, rà soát cùng xử lý các rủi ro pháp lý hay giúp thị trường tính toán đảm bảo tài nguyên mạng lưới phục vụ sản xuất kinh doanh.
Có thể nói, với quan điểm không ngừng mạnh dạn đầu tư, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cùng với các giải pháp mang tính đột phá, xác định lộ trình thích hợp, Tổng Công ty Mạng lưới Viettel đã đạt được những mục tiêu đề ra. Kết quả đó đã đúc kết nên phẩm chất truyền thống “Tự lực - Tiên phong - Công nghệ - Toàn cầu”.♦
Với những thành tích tiêu biểu đạt được, VTNet được tặng thưởng: Danh hiệu Anh hùng Lao động, Huân chương Lao động (hạng Nhì, hạng Ba), 4 Cờ thi đua Chính phủ, 4 Cờ thi đua của Bộ Quốc phòng.
|
THƯỢNG TÁ ĐÀO XUÂN VŨ, TỔNG GIÁM ĐỐC TCT MẠNG LƯỚI VIETTEL