Thiếu tá Vũ Duy Thao-Trưởng ban Quân nhu Sư đoàn cho biết: “Những năm qua, Sư đoàn 312 luôn quan tâm coi trọng tạo nguồn rau xanh an toàn cung cấp trong bữa ăn bộ đội. Ngoài việc tổ chức quy hoạch, xây dựng một số vườn rau chuyên canh, các đơn vị trong Sư đoàn còn đẩy mạnh trồng nhiều giống mới, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến... để tăng năng suất cây trồng. Do vậy, Sư đoàn đã tự túc 100% nhu cầu rau xanh trong bữa ăn bộ đội và còn dư bán ra thị trường. Tuy nhiên, một số đơn vị còn trồng rau theo phương pháp truyền thống, có sử dụng phân hóa học...nên chất lượng rau chưa đạt tiêu chuẩn quốc gia.”.

leftcenterrightdel
Vườn rau cải của Sư đoàn 312 được gieo trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.

Trước thực trạng đó, cuối năm 2016, Sư đoàn chỉ đạo Phòng Hậu cần, trực tiếp là Ban Quân nhu nghiên cứu, đề xuất phương án xây dựng mô hình sản xuất rau, củ, quả theo quy trình VietGAP, tạo bước đột phá mới trong tăng gia sản xuất. Thực hiện chỉ đạo, Ban Quân nhu nghiên cứu tài liệu về quy trình sản xuất rau an toàn sinh học, cử cán bộ tham quan một số cơ sở sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn huyện Sóc Sơn,  Đông Anh (Thành phố Hà Nội). Kết quả cho thấy, quy trình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP phải bảo đảm đầy đủ các tiêu chí về đất trồng (không ô nhiễm hóa chất, nhiều dinh dưỡng), nước tưới (nước giếng khoan, ao hồ đã qua xử lý), giống đạt chất lượng tốt, phân bón (chủ yếu dùng phân hữu cơ hoai mục), phòng trừ sâu bệnh (dùng chế phẩm vi sinh kết hợp bắt bằng tay) và thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, quản lý chặt chẽ từ khâu làm đất, gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch.

Được sự tư vấn, hướng dẫn của chuyên gia kỹ thuật nông nghiệp, đầu năm 2017, Phòng Hậu cần thành lập Tổ tăng gia chuyên trách, giao 01 quân nhân chuyên nghiệp phụ trách. Cùng với đó, Sư đoàn đầu tư 350 triệu đồng để qui hoạch 10.000m2 vườn, làm đường bê-tông nội bộ, hố ủ phân, bể lọc nước, ống dẫn nước tưới tự động, nhà lưới, máy bơm, máy nông nghiệp... Vườn được chia làm 3 khu chính, gồm: khu trồng rau ăn lá (cải ngọt, cải canh, cải mỡ, rau muống, mồng tơi...), diện tích 5.000 m2; khu trồng cây lấy củ, quả (củ cải đường, khoai tây, cà rốt, cà chua, cà tím, bí ngô leo giàn...), diện tích 2.500 m2; khu trồng rau cao cấp trong nhà lưới (súp lơ baby, bắp cải chuối...), diện tích 2.500 m2. Sau 3 tháng trồng theo qui trình mới, lứa đầu tiên năng suất rau đạt thấp hơn 10% so với phương pháp trồng rau truyền thống; kết quả test nhanh (bằng bộ test nhanh) mẫu rau, củ, quả tuy không còn lượng tồn dư hóa học nhưng vẫn có một số loại nấm, vi sinh vật có hại bám trên thân cây rau. Nguyên nhân do đất chưa được làm kỹ, không đạt độ tơi xốp, chất dinh dưỡng ít; chưa xử lý triệt để các loại nấm khi chuẩn bị đất; vệ sinh vườn, phòng chống sâu bệnh, côn trùng chưa hiệu quả... Rút kinh nghiệm, Ban Quân nhu chỉ đạo Tổ tăng gia thực hiện chặt chẽ từ khâu chuẩn bị đất, tăng 15% lượng phân chuồng bón lót và thực hiện nhiều biện pháp phòng chống sâu bệnh. Do vậy, từ lứa thứ hai, năng suất rau tăng từ 5-7%, chi phí giảm 20-25% so với quy trình cũ (do giảm chi phí mua phân hóa học). Sư đoàn đã mời cán bộ Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thành phố Hà Nội) trực tiếp lấy mẫu rau, củ, quả kiểm nghiệm theo tiêu chuẩn Quốc gia. Sau 3 lứa liên tiếp đạt tiêu chuẩn, đầu tháng 02/2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cấp chứng nhận sản phẩm rau, củ, quả của Sư đoàn đạt tiêu chuẩn VietGAP.

leftcenterrightdel
Vườn rau súp lơ baby tại khu TGSX tập trung của Sư đoàn.

Tìm hiểu quy trình trồng rau, củ, quả theo tiêu chuẩn VietGAP ở Sư đoàn 312 chúng tôi được biết: Mỗi khâu sản xuất đều ảnh hưởng lớn đến chất lượng sản phẩm nên phải quản lý chặt chẽ và thực hiện đúng quy trình. Vì vậy, sau khi quy hoạch vườn, đất trồng được thay mới, bổ sung thêm chất dinh dưỡng, đảm bảo tơi xốp hơn, phù hợp với sinh trưởng của cây, không nhiễm hóa chất độc hại. Trước khi gieo trồng, Tổ tăng gia tiến hành cày luống, rắc vôi bột lên trên, phun thuốc diệt nấm bệnh, phơi ải từ 13-15 ngày. Sau đó, rải đều phân chuồng hoai mục lên mặt luống với tỷ lệ 1,5 kg/m2, dùng máy bừa mi-ni làm nhỏ đất, trộn đều phân. Sau mỗi lứa rau, bổ sung thêm đất mùn hoặc bùn ao đã phơi ải để tăng hàm lượng dinh dưỡng và tơi xốp cho đất.

 Đối với cây giống, Tổ tăng gia chọn giống cây mới, năng suất cao, không nhiễm bệnh, có thể tự ươm hoặc mua tại các cơ sở uy tín, chuyên sản xuất cây giống. Trước khi trồng, cây giống được phun chế phẩm vi sinh để phòng chống sâu bệnh, nấm. Riêng hạt giống được lựa chọn kỹ và  ngâm với chế phẩm vi sinh để diệt mầm bệnh, sau đó ươm tập trung tại vườn. Để có đủ nguồn nước sạch tưới rau, ngoài nguồn nước giếng khoan, đơn vị sử dụng nước được bơm từ ao lên, qua hệ thống bể lọc, rồi theo đường ống đến các ô, thửa.

Về phân bón, đơn vị sử dụng phân hữu cơ đã hoai mục là chủ yếu, tuyệt đối không dùng phân tươi. Phân hóa học chỉ sử dụng một lượng nhỏ (chủ yếu là  lân, ka li) bón cho các loại cây lấy củ, quả, trước thời điểm ra hoa để tăng năng suất. Tại các vườn rau, đơn vị xây hố ủ phân, thể tích 15 m3/hố để đảm bảo đủ nguồn phân chuồng hoai mục ổn định. Nguồn phân ủ lấy từ các chuồng nuôi lợn, gà, trâu, bò; cỏ, phân xanh và rau thải bỏ. Cây phân xanh, cỏ, lá rau... được băm nhỏ, trộn đều với phân chuồng, sau đó, sử dụng chế phẩm gốc EM (mua trên thị trường) pha với mật mía tỷ lệ 1/20 (1 lít mật mía pha với 20 lít chế phẩm để tăng nhanh quá trình lên men) tưới đều lên phân, đảo đều, ủ kín trong 3 tháng. Việc ủ phân được thực hiện gối đầu, đảm bảo đủ phân bón cho các lứa rau. Ngoài ra, Sư đoàn còn có 500 m2 chuồng nuôi giun quế, mỗi tháng thu 5-7 tấn phân để bón cho các loại rau cao cấp, bằng cách bón vào gốc hoặc hòa tan để tưới. Tổ tăng gia còn chế dịch giun, phun trực tiếp lên lá thay cho bón phân đạm để kích thích cây trồng sinh trưởng nhanh.  

Để phòng, chống sâu bệnh, ngoài việc phun thuốc, phơi ải đất diệt nấm, trứng sâu bọ ngay từ khi chuẩn bị đất, đơn vị còn trồng cỏ voi dày từ 30-50cm xung quanh vườn để ngăn các loại thiên địch, côn trùng phá hại rau. Trong vườn, trồng điểm các loại hoa có màu sắc sặc sỡ (cúc vàng, cúc trắng, cúc vạn thọ, sen cạn...) và các loại cây gia vị nhiều tinh dầu (sả, húng quế, lá lốt, bạc hà...) có tác dụng xua đuổi ruồi vàng, rệp, sâu, bọ cánh cứng... Nếu phát hiện rau bị sâu bệnh nhiều, đơn vị tổ chức dùng ớt, tỏi, sả, một số loại lá cây nhiều tinh dầu... xay nhỏ, pha với nước phun cho rau. Đồng thời, tổ chức bắt sâu bọ bằng tay, tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ sâu mua ngoài thị trường.

Việc thu hoạch rau, củ, quả, được tiến hành vào sáng sớm hoặc chiều muộn, khi nhiệt độ ngoài trời thấp, loại bỏ phần gốc, sâu bệnh, hư hỏng và xếp vào thùng, hộp, bao gói cẩn thận để tránh dập nát, hư hỏng trong quá trình vận chuyển, bảo quản.

Có thể khẳng định, mô hình trồng rau theo qui trình VietGAP  ở Sư đoàn 312 có nhiều ưu điểm nổi trội, giảm chi phí sản xuất, tăng chất lượng sản phẩm, kiểm soát tốt hơn các yếu tố gây ô nhiễm môi trường so với cách làm truyền thống. Hiện nay, đã có nhiều đơn vị đóng quân trên địa bàn đến tham quan, học tập, áp dụng thành công trong việc trồng rau xanh an toàn sinh học, phục vụ bữa ăn bộ đội.

Bài, ảnh: HƯƠNG THẢO