Khu nhà “mơ ước”

Chúng tôi đến thăm Nhà ở công vụ Bộ Tổng Tham mưu tại thị trấn Trâu Quỳ (Gia Lâm- Hà Nội) vào một ngày đầu Xuân. Nhìn từ xa, tòa nhà 11 tầng nằm nổi bật giữa màu xanh bát ngát của những vườn ươm cây  giống.  Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Vũ Hoàng Hà, Chủ nhiệm Hậu cần Lữ đoàn 84 (Cục Tác chiến Điện tử), Phó Trưởng ban quản lý Khu nhà ở công vụ cho biết: Xuất phát từ nhu cầu nhà ở của cán bộ, nhân viên trong Bộ Tổng Tham mưu nói chung, Lữ đoàn 84 nói riêng ngày càng cao, nên năm 2014, Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu quyết định thu hồi toàn bộ đất khu gia đình Lữ đoàn 84, với 64 gian nhà cấp 4 đang giao cho các hộ mượn tạm sử dụng để lập dự án xây dựng nhà ở công vụ. Cục Hậu cần được giao làm chủ đầu tư, Công ty 207 trực tiếp thi công, đến cuối năm 2017 công trình hoàn thiện, bàn giao và đưa vào sử dụng.

Khu nhà được xây dựng trên diện tích 4.020m2, gồm 11 tầng (1 tầng để xe), mỗi tầng có 17 căn hộ, trong đó 2 căn hộ có diện tích 70m2, còn lại là các căn hộ diện tích 52m2. Căn hộ diện tích 70m2 được bố trí cho các cán bộ cao cấp, chỉ huy phòng, ban, tiểu đoàn hoặc các đối tượng chính sách đặc biệt. Cả 2 loại phòng đều được thiết kế 2 phòng ngủ, 1 phòng bếp, 1 phòng khách, 1 phòng vệ sinh khép kín, nội thất tương đối đầy đủ. Các gia đình chuyển đến chỉ cần mua sắm thêm một số vật dụng khác như tủ quần áo, giường, ti vi, tủ lạnh...là có thể sinh hoạt bình thường.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh khu nhà ở công vụ 11 tầng của Bộ Tổng Tham mưu.

Ngay sau khi bàn giao, đưa vào sử dụng, Bộ Tổng Tham mưu thành lập Ban Quản lý tòa nhà, gồm 5 người, với thành phần chủ yếu là chỉ huy, cán bộ hậu cần, tài chính của Lữ đoàn 84. Ban Quản lý có nhiệm vụ quản lý các hoạt động tại nhà ở công vụ theo đúng quy chế quản lý; ký kết các hợp đồng dịch vụ phục vụ công tác quản lý, duy trì hoạt động tại nhà ở công vụ. Hiện nay, Ban Quản lý đang ký hợp đồng lao động thuê 3 bảo vệ và 2 nhân viên dọn vệ sinh. Kinh phí chi trả lấy từ các phí dịch vụ do các hộ đóng góp. Theo quy định của Ban Quản lý, chỉ tứ thân phụ mẫu, vợ (chồng) và các con được ở cùng; tuyệt đối không cho mượn hoặc cho thuê phòng. Không sử dụng bếp ga để đun, nấu; khi đi vắng lâu ngày phải cắt cầu dao điện, báo cho Ban Quản lý nắm được. Ngoài tiền thuê phòng, các hộ chỉ phải trả tiền điện, nước theo hợp đồng với công ty cung cấp và tiền gửi xe ô tô: 300.000đ/tháng/xe, xe máy: 60.000đ/tháng/xe; xe đạp: 30.000đ/tháng/xe.

Niềm vui trong những căn phòng

Sau khi dẫn tôi đi thăm một vòng bên ngoài khu nhà, Thiếu tá CN Lê Văn Duẩn, Trợ lý Doanh trại (Phòng Hậu cần Lữ đoàn 84), nhân viên Ban Quản lý, đồng thời cũng là hộ sinh sống tại đây cho biết: “Trước đây, tôi phải thuê nhà cách đơn vị gần 2km, với giá gần 2 triệu đồng/tháng; chưa tính tiền điện, nước. Hiện nay, tiền thuê nhà ở công vụ chỉ hơn 500.000đ/tháng, cộng cả tiền điện, nước hết khoảng hơn 1.000.000đ. Ở đây vừa rẻ, khang trang, sạch sẽ, điều kiện an ninh trật tự lại tốt hơn so với bên ngoài. Các gia đình đều là quân nhân nên mọi người gần gũi, dễ dàng chia sẻ, giúp đỡ nhau hơn”. Anh cho biết thêm, vợ anh vừa được Ban Quản lý ưu tiên tuyển dụng làm nhân viên vệ sinh, với mức lương 4,5 triệu đồng/tháng, nên kinh tế đỡ khó khăn.

Đến thăm căn hộ 901 của Trung úy CN Lại Công Đức, hiện đang công tác tại Cục Đối ngoại, hai vợ chồng đều đi vắng, chỉ có mẹ vợ và hai con nhỏ ở nhà. Bà Vũ Thị Hồng, 55 tuổi, mẹ vợ Đức kể: “ Tôi quê ở Tiền Hải (Thái Bình), lên ở cùng con cháu đã lâu. Trước đây, cả nhà phải thuê một căn phòng cấp 4 ở phố Tư Đình, diện tích hơn 20m2, với giá 2 triệu đồng/tháng. Tính cả điện nước, mỗi tháng ngót nghét hơn 3 triệu đồng. Khu nhà trọ gần trang trại chăn nuôi nên môi trường bị ô nhiễm nặng, khiến sức khỏe của các cháu bị ảnh hưởng. Khi chuyển sang đây, được ở trong khu nhà mới khang trang, kiên cố, sạch sẽ, có đầy đủ đồ đạc, thiết bị, cả nhà ai cũng phấn khởi. Sắp tới, trường mầm non ở đây được mở ra, hai cháu được gửi luôn tại tòa nhà này, rất thuận tiện cho cả gia đình. Cám ơn các thủ trưởng nhiều lắm”!.

Tạm biệt bà Hồng, ra đến cửa, chúng tôi gặp Trung úy CN Nguyễn Văn Đông, nhân viên Lữ đoàn 84, đang khuân đồ đạc về phòng của mình. Nở nụ cười rạng rỡ trên gương mặt sạm màu nắng gió, Anh cho biết, công việc của mình thường xuyên phải công tác xa nhà, vợ và hai con gửi nhờ ông bà ngoại cách đơn vị vài ki-lô-mét. Nhà bố mẹ vợ khá chật chội nên nhiều lúc cũng bất tiện. Nhiều lần, vợ chồng Đông muốn tìm thuê nhà ở bên ngoài đơn vị, nhưng do kinh tế eo hẹp nên đành cố chờ. Được cấp trên xét duyệt cho thuê nhà, vợ chồng Đông và cả gia đình nội, ngoại, bạn bè, đồng đội đều rất vui mừng, phấn khởi. Anh dự tính mua sắm thêm một số vật dụng để gia đình sinh hoạt ổn định, vì đây là tổ ấm của riêng mình. Vừa bắt tay tôi, Đông vừa tâm sự chân thành: “Về đây ở, nhà cửa rộng rãi, thoáng mát, tiện dụng, xung quanh đều là các gia đình quân nhân, có bảo vệ, Ban Quản lý nên có đi công tác xa, dài ngày tôi vẫn rất yên tâm, không còn thấp thỏm, lo lắng như trước nữa”!.

Chứng kiến tâm trạng vui tươi, phấn khởi của các quân nhân và gia đình khi được về sống trong khu nhà mới, tôi cũng vui lây với niềm vui của họ. Niềm vui đó càng thêm khẳng định hiệu quả thiết thực mà dự án nhà ở công vụ đã mang lại đối với cán bộ, nhân viên trong điều kiện xã hội hiện nay. Mong rằng, sắp tới, sẽ có nhiều hơn nữa những dự án nhà ở công vụ được ra đời, để các quân nhân và gia đình có thêm chỗ ở ổn định, yên tâm công tác, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Bài, ảnh: Thiếu tá NGUYỄN VĂN CHIỂN