Với trọng tâm chiến lược chủ đạo là hướng biển và phát triển hải quân đủ năng lực tác chiến ngoài biên giới, PLA phải xây dựng một hệ thống “Hậu cần chính xác” để tiến hành công tác BĐHC nhanh chóng, chính xác và kịp thời, bằng cách sử dụng công nghệ thông tin, các cấu trúc hậu cần khoa học và áp dụng các biện pháp quản lý hiện đại. Hiện nay, PLA đang thực hiện biện pháp đa phương để xây dựng hệ thống hậu cần hiện đại, đáp ứng các hoạt động chung của cả 3 quân chủng, lực lượng tên lửa chiến lược và chi viện chiến lược. Dưới đây là những khía cạnh nổi bật của hệ thống hậu cần tích hợp PLA.
Khái niệm về bảo đảm toàn diện
Trong thuật ngữ quân sự Trung Quốc hiện đại, tất cả các chức năng hậu cần đều nằm trong khái niệm “bảo đảm toàn diện” bao gồm các loại bảo đảm “hậu cần” và bảo đảm “vũ khí”. PLA có 2 hệ thống riêng biệt để quản lý các nhu cầu bảo đảm toàn diện, gồm Tổng cục Hầu cần (GLD) cấp quốc gia, có nhiệm vụ quản lý công tác BĐHC và Tổng cục Vũ khí, Trang bị (GAD) có nhiệm vụ quản lý công tác bảo đảm vũ khí, trang bị (VKTB).
GLD là cơ quan BĐHC đầu ngành cho cả 3 quân chủng, lực lượng tên lửa chiến lược và chi viện chiến lược. GLD có các cục chuyên ngành, quản lý công tác hậu cần, bao gồm cấp phát, vận chuyển, thông tin liên lạc quân sự, tài chính, quân y, xăng dầu, sản xuất kinh tế, doanh trại, xây dựng cơ bản và sản xuất quân lương, quân trang, trang thiết bị, vật tư tiêu hao.
GAD phụ trách việc bảo đảm VKTB, bảo đảm kỹ thuật cho VKTB bao gồm mua sắm VKTB, đạn dược, sửa chữa và bảo dưỡng, thực hiện các chương trình nghiên cứu và phát triển VKTB. Cả GLD và GAD đều quản lý một loạt các viện nghiên cứu và đào tạo cán bộ nhân viên quân sự chuyên ngành.
Hệ thống BĐHC liên quân chủng
Năm 2000, các phòng hậu cần của 7 quân khu (MR) được tổ chức lại và được tích hợp thêm cơ quan Hậu cần liên quân chủng (JLD) để quản lý tất cả các nguồn lực hậu cần (JLD do PLA trực tiếp quản lý theo ngành dọc). JLD gồm có nhiều đơn vị, nằm trên các địa bàn khác nhau, trong đó, có nhiều đơn vị nằm trên các MR. Theo kế hoạch “Hậu cần liên quân chủng”, các đơn vị BĐHC của các phi đội không quân và hạm đội hải quân, như bệnh viện, nhiên liệu, bảo dưỡng xe quân sự,.. được chuyển về các đơn vị JLD nằm trong MR, nhưng vẫn duy trì các đơn vị BĐHC “chuyên dụng”. Hiện nay, MR chỉ đạo, giám sát khoảng 30 đơn vị hậu cần cấp dưới, bao gồm các bệnh viện, kho hàng, nhà kho và các đơn vị vận chuyển. Các đơn vị hậu cần cấp dưới thành lập các đơn vị BĐHC cơ động đi cùng các lực lượng chiến đấu trên chiến trường hoặc trên biển, cách xa căn cứ của họ. Mỗi MR thành lập một lữ đoàn BĐHC dự bị.
Thông qua các đơn vị JLD nằm trong MR, GLD quản lý khoảng 80% nhu cầu hậu cần, các phòng hậu cần của các đơn vị đặc biệt quản lý 20% nhu cầu cụ thể của họ. JLD được chia thành các đơn vị hậu cần khu vực (quản lý trang thiết bị và các hoạt động bảo đảm trong MR). GLD có quyền kiểm soát trực tiếp đối với một số đơn vị cấp phát và cơ sở bảo đảm chiến lược tuyến sau trên khắp đất nước, tiến hành công tác BĐHC chung. Cục hậu cần của các quân, binh chủng có các đơn vị hậu cần cấp dưới trực thuộc, đáp ứng các nhu cầu hậu cần cụ thể của các đơn vị và hỗ trợhậu cần cho các nhiệm vụ đặc biệt, như hỗ trợ lực lượng tên lửa chiến lược cơ động đường sắt.
Triết lý hậu cần tương lai
Hiện nay, PLA đang ưu tiên cho việc cải thiện các chức năng bảo đảm cho các quân chủng chiến đấu, phù hợp với các khái niệm tác chiến mới. Trọng tâm BĐHC sẽ chuyển từ bảo đảm số lượng vật chất đơn thuần sang việc đẩy nhanh tốc độ bảo đảm và tận dụng công nghệ thông tin, số hóa, đáp ứng yêu cầu chính xác về thời gian và địa điểm. Đặc trưng triết lý hậu cần tương lai của Trung Quốc là: Phát triển hệ thống hậu cần thống nhất liên quân chủng; hệ thống hậu cần mô-đun tương thích với các hoạt động tác chiến cơ động nhanh; tăng cường sử dụng hệ thống vận tải và cơ sở hạ tầng dân sự; coi trọng tốc độ bảo đảm và tính chính xác bằng cách tích hợp công nghệ và thông tin cho đội hình bảo đảm trên chiến trường; áp dụng các phương pháp khoa học trong quản lý hậu cần; tăng nguồn cung/xã hội hoá, giảm các hoạt động kinh doanh trực tiếp của PLA và tái bố trí các nguồn lực quân sự.
Bộ máy hậu cần tích hợp liên quân chủng
PLA đã thành lập “Hệ thống chỉ huy hậu cần chiến trường tích hợp” đầu tiên ở Quân khu Nam Kinh vào năm 1995. Cục hậu cần chiến trường liên quân chủng hay Cục Hậu cần liên quân chủng của bộ tư lệnh quân khu chịu trách nhiệm BĐHC chung cho tất cả các hoạt động trên chiến trường của cả 3 quân chủng. Đây là trung tâm chỉ huy thời chiến với một sở chỉ huy bảo đảm, bao gồm: đại diện cơ quan hậu cần các quân chủng. Quân khu Tế Nam đã thiết lập một mạng lưới cấp phát xăng dầu chung cho cả 3 quân chủng và lực lượng tên lửa chiến lược. Hiện nay, PLA đang nỗ lực thành lập tổ chức BĐHCliên quân chủng.
Về động viên hậu cần
PLA đã thiết lập hệ thống ủy ban động viên quốc phòng quốc gia (NDMC) từ trung ương đến địa phương. Đây là đầu mối lo việc quản lý, huy động tiềm lực hậu cần từ nền kinh tế, bảo đảm cho các hoạt động của quân đội và tham gia cùng với chính phủ, quân đội quản lý, giám sát công tác động viên hậu cần. NDMC của các địa phương có nhiệm vụ tổ chức các nhân viên dân sự, xe tải, tàu thuyền và các loại trang thiết bị cần thiết khác của địa phương để tham gia vào công tác BĐHC cho quân đội. Nhiều NDMC địa phương được tổ chức và trang bị như là trụ sở chung của quân đội, chính phủ và cảnh sát trong trường hợp khẩn cấp.
Vận tải chiến thuật và chiến lược
Hiện nay, PLA có khả năng vận tải cho cả ba cấp quân đoàn cùng một lúc. Năm 2016, PLA đã bắt đầu đưa vào trang bị siêu máy bay vận tải chiến lược nội địa Y-20, nhằm nâng cao khả năng vận chuyển các đơn vị chiến đấu hạng nặng và vận chuyển nguồn cung cấp từ lục địa tới các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, ngày 20/12/2017, lục quân PLA đã đưa vào sử dụng 2 máy bay vận tải Y-9. PLA đang sở hữu 4 chiếc Type 071, mỗi chiếc có thể chở 500 - 800 binh sĩ, 6 chiếc máy bay trực thăng, 60 xe đổ bộ, 4 tàu đệm khí đổ bộ. Ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc vẫn đang tiếp tục đóng mới các tàu đổ bộ cỡ lớn kiểu Type 071 để tăng cường khả năng bảo đảm viễn chinh.
Năng lực vận tải thủy bộ của Hải quân PLA có thể vận chuyển khoảng một sư đoàn bộ binh với 10.000-12.000 quân và trang thiết bị đi kèm cùng một lúc, chưa kể đến một số lượng lớn các tàu đổ bộ đang được đóng và tàu của các đơn vị vận tải Lục quân, Không quân và tàu dân sự. Năng lực vận tải hàng không có thể cùng lúc chuyên chở khoảng 11.000 lính dù tới các địa bàn tác chiến. Hiện PLA đang tập trung xây dựng kế hoạch huy động tàu thuyền, máy bay vận tải dân sự vào các hoạt động vận tải trong thời chiến.
Trung tá, ThS NGUYỄN ĐĂNG ĐẬU (Tổng cục Kỹ thuật)