Sai lầm trong kế hoạch tiếp tế hậu cần
Trong cuộc viễn chinh này, Napoleon chuẩn bị đội quân mạnh nhất thời bấy giờ, gồm: hơn 600.000 quân, 250.000 ngựa chiến để triển khai kỵ binh, cơ động pháo binh và duy trì tuyến BĐHC từ nước Pháp đến các chiến trường. Napoleon dự định sử dụng lực lượng mạnh buộc Nga phải bước vào trận quyết chiến chiến lược với ưu thế quân sự nghiêng hẳn về phía người Pháp, nhanh chóng kết thúc cuộc chiến trong thời gian ngắn. Quân Pháp chuẩn bị 30 ngày lương thảo, dự trữ trên các đoàn xe ngựa cơ động theo đội hình hành quân để sử dụng khi nguồn khai thác hậu cần trên dọc đường gặp khó khăn. Đồng thời tổ chức nhiều đoàn xe bảo đảm với 9.300 xe ngựa các loại, có khả năng vận chuyển được trên 10.000 tấn vũ khí và vật chất hậu cần. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đây là đại chiến dịch quy mô lớn, quãng đường tiến quân dài, nhu cầu tiêu thụ vật chất hậu cần rất lớn. Giả thiết, trong thời gian 2 tháng, đại quân Napoleon tiến đến Mát-xcơ-va, thì nhu cầu tiêu thụ lương thực, thực phẩm phải trên 16.300 tấn, gần gấp đôi khả năng vận chuyển của các đoàn tiếp tế.
Trước đó, trong các chiến dịch ở Đông Âu, để giải quyết một phần lương thực cho binh sĩ, Napoleon tổ chức thu mua trên dọc đường tiến quân và cho phép binh lính tự do bổ sung lương thực bằng mọi cách, kể cả cướp bóc của dân.
Chủ quan trong khâu tạo nguồn hậu cần
Khác với các quốc gia Đông Âu, hệ thống đường sá của Nga lúc đó kém phát triển, buộc Napoleon phải tiến quân theo một tuyến đường chính diện nhỏ hẹp, gập ghềnh. Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất nông nghiệp dọc đường tiến quân kém phát triển; khả năng khai thác nguồn hậu cần tại chỗ rất hạn chế. Do vậy, khi hơn 600.000 người cùng hành quân trên một tuyến đường, việc khai thác nguồn hậu cần dọc đường sẽ nhanh chóng cạn kiệt nguồn cung cấp. Cùng với đó, trước khi rút đi, người Nga đã thiêu rụi hoặc phá hủy mọi thứ nên nguồn hậu cần hầu như không còn. Càng tiến sâu vào lãnh thổ nước Nga, nguồn khai thác hậu cần càng khó khăn, nhất là cung cấp cỏ cho đàn ngựa.
Không coi trọng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe binh lính, ngựa chiến
Đúng thời điểm cuối tháng 6, nắng nóng kéo dài, Napoleon tiến quân vào Nga, sang đầu tháng 7, mưa to trong nhiều ngày liền, nhiệt độ môi trường giảm đột ngột gây hại đến sức khỏe binh lính và đàn ngựa. Ngay tuần đầu tháng 7, binh lính, ngựa chiến bắt đầu chết vì đói và bệnh tật. Hầu hết binh lính vứt bỏ toàn bộ áo khoác mùa đông để đảm bảo tốc độ tiến quân. Do đói, bệnh tật và không được chăm sóc, bảo vệ chu đáo, sức khỏe binh lính và đàn ngựa ngày càng giảm sút, đội hình hành quân càng rời rạc... Cuối tháng 7, hàng nghìn binh lính bị loại khỏi đội hình hành quân và hơn 10.000 con ngựa bị chết.
Đối mặt với chiến thuật du kích của Nga
Bước vào cuộc chiến, Nga chỉ có 180.000 binh lính nên họ sớm nhận ra sự chênh lệch quá lớn về lực lượng với quân đội Pháp. Nga hoàng Alexander và các tướng lĩnh nhận định đội quân của Napoleon sẽ bị giảm sút nhanh nếu không có nguồn tiếp tế hậu cần. Do vậy, Nga cố kéo dài thời gian tác chiến sang mùa đông, tránh không giao chiến trực tiếp trên địa hình trống trải, đồng thời áp dụng sách lược “tiêu thổ kháng chiến”, tích cực củng cố lực lượng, chuẩn bị vật chất hậu cần. Tiếp đó, người Nga quyết định dừng giao chiến, lui quân, đốt phá sạch các cơ sở sản xuất nông nghiệp, chế biến lương thực trước khi rút quân, đồng thời lừa dụ Napoleon tiến sâu vào các khu rừng, đầm lầy. Khi quân Napoleon lọt sâu vào nội địa, Nga áp dụng chiến thuật du kích, sử dụng những đội kỵ binh người Cô-dắc khoảng trên 100 người tiến công chớp nhoáng vào đội hình tiến quân của đối phương. Tại các điểm dừng chân của đội quân Napoleon, tướng lĩnh Nga thuyết phục người dân yêu nước giả vờ ủng hộ binh lính, đón tiếp họ vào làng nghỉ ngơi, sau đó bí mật giết chết, chôn xác, khiến quân Napoleon bị tiêu hao lực lượng nhanh chóng.
Phía Nga tiếp tục thực hiện chiến thuật rút lui, Napoleon thúc quân tiến về Thủ đô Mat-xcơ-va vào giữa tháng 9 trong điều kiện binh lính đã suy kiệt sức khỏe do đói, rét, bệnh tật. Đến ngày 14/9, Napoleon chiếm đóng toàn bộ Mát-xcơ-va. Thời điểm này, hơn 200.000 binh lính Pháp đã bị chết hoặc phải chữa trị, phục hồi sức khỏe do bệnh tật và kiệt sức. Chỉ một tháng bám trụ ở Mat-xcơ-va, 20.000 con ngựa bị chết đói hoặc giết mổ để lấy thực phẩm cung cấp cho binh lính. Napoleon cố gắng tìm kiếm mọi nguồn tiếp tế, nhưng chỉ thấy “vườn không nhà trống”. Trong khi đó, các căn cứ dự kiến tránh mùa đông tại Mát-xcơ-va cho binh lính đều bị Nga phá hủy hoàn toàn. Do vậy, khi bước vào các trận đánh lớn ở Smolensk, 10.000 binh lính Napoleon thiệt mạng; trận chiến ở Borodino cả hai phía thiệt hại gần 100.000 người. Tuy chiến thắng trong trận Borodino ngày 07/09, nhưng lực lượng của Napoleon không còn khả năng giành thắng lợi quyết định.
Rút quân trong tình thế bắt buộc
Tuy chiếm đóng tại Mát-xcơ-va, nhưng quân đội Pháp bị sa lầy tại nơi hoang tàn, đổ nát và phải đối mặt với mùa đông lạnh giá, nguồn tiếp tế hậu cần hạn chế, vì vậy, Napoleon buộc phải rút quân khỏi Mát-xcơ-va cùng với 40.000 xe ngựa chứa đầy châu báu cướp được nhưng không có lương thực, thực phẩm.
Đội quân Napoleon cố gắng rút về Smolensk theo tuyến đường khác ở phía Nam nhưng bị quân đội Nga chặn đánh, buộc phải quay lại tuyến đường cũ khi tiến quân. Quá trình rút quân, binh lính Pháp vừa chịu đói, rét, bệnh tật, vừa phải liên tục giao chiến với đội quân của Nga. Ngày 12/11, khi quân Napoleon trở về tới Smolensk (sau 26 ngày rút quân), quân số chỉ còn 40.000 người trong đội hình và hơn 60.000 người rải rác dọc đường bị kiệt sức vì đói. Đoàn xe tiếp tế hậu cần khi rời Mát-xcơ-va chỉ còn 1/5 so với ban đầu. Cuối tháng 11, đội quân của Napoleon tới sông Berezina, nhưng lại bị quân đội Nga chặn đánh. Ngày 26/11, Napoleon ra lệnh nhanh chóng vượt qua Studienka. Khi đoàn quân đang vượt sông quân Nga tiếp tục chặn đánh, Napoleon buộc phải đốt cây cầu tạm để chạy thoát, bỏ lại khoảng 10.000 binh lính phía bên kia sông. Đến ngày 08/12, Napoleon quyết định bỏ lại đoàn quân để trở về Paris cùng với các tùy tùng thân cận. Trong cuộc xâm lược này, đội quân của Napoleon bị thương vong hơn 400.000 người.
Tuy nắm trong tay đội quân hùng mạnh nhất châu Âu nhưng do chủ quan, coi nhẹ công tác BĐHC, Napoleon đã thất bại nặng nề trong cuộc chiến xâm lược tại Nga, là bài học đắt giá không thể cứu vãn được.
Thiếu tá, ThS ÂU ĐỨC THẮNG
Bộ Tham mưu Hậu cần