PV: Đề nghị đồng chí khái quát quá trình hình thành, phát triển và những thành tích, công trình tiêu biểu của ngành Doanh trại trong 65 năm qua?
Thiếu tướng Nguyễn Quốc Việt: Ngay từ khi thành lập (10/8/1955), trước những khó khăn chồng chất của thời kỳ đầu miền Bắc mới được giải phóng, ngành Doanh trại đã cùng với toàn quân phát huy tinh thần sáng tạo, tự lực, tự cường, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật, tự thiết kế, sản xuất, khai thác vật liệu, tổ chức xây dựng doanh trại. Chỉ trong vòng 3 năm (1958 - 1960), toàn quân đã xây dựng được một khối lượng lớn doanh trại, bảo đảm cho bộ đội rút dần khỏi nhà dân chuyển sang ăn ở, sinh hoạt và rèn luyện tập trung. Cùng với đó, đồ dùng, doanh cụ, phương tiện làm việc được quan tâm bảo đảm. Các tiêu chuẩn, định mức, chế độ, chính sách về ở, sinh hoạt, làm việc của bộ đội bắt đầu được nghiên cứu, là tiền đề xây dựng tiêu chuẩn, chế độ, định mức Ngành sau này.
    |
 |
Thiếu tướng Nguyễn Quốc Việt. |
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, công tác Doanh trại đã kịp thời chuyển hướng “lấy nhiệm vụ bảo đảm phục vụ chiến đấu là trung tâm hàng đầu”. Ở phía trước, Ngành bảo đảm các nhu cầu sinh hoạt, chiến đấu cho bộ đội như nhà bạt, nhà dã chiến, dầu đèn..., đồng thời, chuyển phần lớn lực lượng xây dựng sang chiến đấu và phục vụ cho Tuyến Vận tải chiến lược Trường Sơn. Ở phía sau, sản xuất hàng chục vạn cột bê tông, vì kèo thép phục vụ cho cơ động, phân tán lực lượng, nhà máy, kho, xưởng, cải tạo các hang núi đá để sản xuất quốc phòng, sơ tán bệnh viện để bảo đảm chiến đấu lâu dài; tổ chức tiếp nhận hàng viện trợ, xây dựng các sân bay, bến cảng phục vụ cho chiến đấu của Quân chủng Phòng không - Không quân và Quân chủng Hải quân. Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, gặp muôn vàn khó khăn, song, cán bộ, nhân viên Cục Doanh trại đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nhà sàn (năm 1958) để Bác Hồ làm việc tại Phủ Chủ tịch; thiết kế và xây dựng nhà tại khu K9 - Đá Chông (1959-1960) để Bác và Trung ương Đảng làm việc, chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ từ năm 1960 đến năm 1969. Đây là hai công trình mang đậm dấu ấn của ngành Doanh trại Quân đội, đồng thời cũng là niềm vinh dự, tự hào của lớp lớp cán bộ, nhân viên ngành Doanh trại Quân đội.
Sau năm 1975, Quân đội điều chỉnh lực lượng, thay đổi thế bố trí chiến lược cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc và Tây Nam. Ngành Doanh trại đã kịp thời xác định bảo đảm cho chiến đấu và SSCĐ là nhiệm vụ hàng đầu. Công tác xây dựng cơ bản được đẩy mạnh, đã xây dựng, cải tạo được một khối lượng lớn cơ sở vật chất bảo đảm nơi ăn, ở, sinh hoạt và rèn luyện cho bộ đội, góp phần xây dựng Quân đội từng bước chính quy.
Trong thời kỳ đổi mới và những năm gần đây, với chức năng, nhiệm vụ được giao, Cục Doanh trại đã làm tốt tham mưu, đề xuất với Tổng cục Hậu cần (TCHC), Bộ Quốc phòng (BQP) về công tác quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện xây dựng cơ bản, quản lý đất quốc phòng và bảo đảm doanh trại toàn quân; triển khai thực hiện tốt công tác đầu tư xây dựng doanh trại; tham gia thẩm tra, thẩm định thiết kế, dự toán, quản lý chất lượng xây dựng các công trình doanh trại. Đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng nhiều công trình, tiêu biểu như: Sở chỉ huy cơ quan BQP, quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, học viện, trường sĩ quan; có nhiều công trình mang kiến trúc hiện đại như: Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108; Bệnh viện Quân y 103, 175... Những công trình trên đã tạo thành điểm nhấn kiến trúc trong khu vực Thủ đô và các thành phố trên địa bàn cả nước.
PV: Để đáp ứng chủ trương xây dựng Quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại và thực hiện Nghị quyết số 623-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương (QUTW) về công tác hậu cần Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo, ngành Doanh trại gặp những khó khăn gì?
Thiếu tướng Nguyễn Quốc Việt: Để xây dựng Quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại và thực hiện Nghị quyết số 623-NQ/QUTW ngày 29/10/2012 “Về công tác hậu cần Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, Ngành Doanh trại đã tích cực, chủ động, khắc phục khó khăn phấn đấu hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu Nghị quyết của QUTW đề ra; hầu hết doanh trại các đơn vị trong toàn quân được đầu tư xây dựng cơ bản, đồng bộ, chính quy đạt và vượt các chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng gặp những khó khăn chi phối đó là: Việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết của một số cấp ủy, chỉ huy một số cơ quan, đơn vị chưa kịp thời và sâu sát. Thiên tai, dịch bệnh, diễn biến bất thường. Chất lượng quy hoạch tổng mặt bằng doanh trại thiếu tính ổn định, lâu dài. Việc đầu tư xây dựng công trình doanh trại chưa tuân thủ quy hoạch được phê duyệt. Giá một số mặt hàng vật tư, vật liệu luôn biến động tăng. Việc thực hiện các chương trình như: nước sạch, chống gió lùa, xóa nhà cấp IV hết niên hạn sử dụng, xây dựng các dự án nhà ở gia đình, nhà ở xã hội, nhà công vụ cho cán bộ quân đội với nhu cầu rất lớn, trong khi ngân sách bảo đảm có hạn, do vậy đã tác động tới kết quả thực hiện của toàn Ngành.
    |
 |
Nhà làm việc của Bác Hồ tại K9- Đá Chông, công trình do Cục Doanh trại thiết kế và thi công năm 1959. Ảnh: Hồng Quang. |
PV: Trước những khó khăn trên, Cục Doanh trại đã triển khai thực hiện những giải pháp nào, kết quả nổi bật của toàn Ngành ra sao?
Thiếu tướng Nguyễn Quốc Việt: Để giải quyết khó khăn trên, Cục Doanh trại đã tham mưu, đề xuất với TCHC, QUTW, BQP ban hành các thông tư, chỉ thị, triển khai đồng bộ, quyết liệt các dự án đầu tư xây dựng đúng trình tự quy định của pháp luật. Tăng cường cải cách hành chính, xử lý nhanh, gọn các thủ tục đầu tư, bảo đảm chất lượng, tiến độ, không để phát sinh tình trạng đầu tư dàn trải, nợ đọng trong xây dựng cơ bản. Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, xác định ưu tiên cho các đơn vị SSCĐ, đơn vị đủ quân, đóng quân địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Đến nay, cơ bản đã hoàn thành các chương trình, mục tiêu ngành Doanh trại theo Nghị quyết số 623-NQ/QUTW và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ X đề ra như: xóa nhà cấp IV hết niên hạn sử dụng xuống cấp nặng; đầu tư xây dựng doanh trại ban chỉ huy quân sự cấp huyện, quận, thị, thành phố; đầu tư cứng hóa sân đường nội bộ đạt 100% kế hoạch; cải tạo hệ thống điện hạ thế đạt 104,2% kế hoạch; bảo đảm nước sạch sinh hoạt đạt 102% kế hoạch. Nhiều công trình đã mang lại hiệu quả thiết thực không những bảo đảm đủ nước sạch sinh hoạt cho bộ đội, điều hòa khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường mà còn bảo đảm cho Nhân dân trên địa bàn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương như hồ chứa nước ngọt trên đảo Thổ Chu/Quân khu 9, các bể chứa nước trên Cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang, hồ chứa nước Trung đoàn 66 (Sư đoàn 10 - Quân đoàn 3)…
PV: Hai năm trở lại đây, thực hiện chủ trương đối mới phương thức bảo đảm vật chất hậu cần gắn với cơ chế quản lý tài chính trong Quân đội, Cục Doanh trại đã tham mưu, đề xuất với TCHC, BQP những nội dung, giải pháp gì? Hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị toàn quân ra sao? Kết quả bước đầu thế nào?
Thiếu tướng Nguyễn Quốc Việt: Quán triệt Nghị quyết số 915-NQ/QUTW ngày 25/8/2018 của QUTW về đổi mới cơ chế quản lý tài chính Quân đội giai đoạn 2018 - 2025 và những năm tiếp theo, Cục Doanh trại đã tham mưu, đề xuất với TCHC, BQP để chỉ đạo đơn vị thực hiện đúng quy trình lập, phân bổ dự toán ngân sách ngành Doanh trại (nhu cầu được lập từ đơn vị cơ sở, cơ quan nghiệp vụ cấp trên thẩm định gửi cơ quan tài chính cùng cấp và tổng hợp nhu cầu toàn đơn vị báo cáo cơ quan nghiệp vụ cấp trên). Huy động tối đa lượng vật chất doanh trại thường xuyên đưa ra sử dụng để giảm lượng tồn kho. Tham mưu, đề xuất với TCHC, BQP về phân cấp và quản lý sử dụng vật chất doanh trại. Theo đó, cơ quan hậu cần đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ tổ chức mua sắm giường gỗ, giường sắt và dụng cụ sinh hoạt; các loại vật chất khác do cấp sư đoàn, bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh và tương đương thống nhất danh mục mua sắm theo phương thức tập trung bằng cách thức ký thỏa thuận khung đối với những loại vật chất đã có thiết kế mẫu và tiêu chuẩn cơ sở được duyệt để thống nhất trong toàn quân.
Hằng năm, trên cơ sở số kiểm tra BQP giao, Cục Doanh trại đã chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị bố trí một phần kinh phí để thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, chương trình ngành Doanh trại theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội đề ra và Nghị quyết của QUTW như: Nâng cấp hệ thống sân đường nội bộ, hệ thống điện hạ thế; bảo trì công trình xây dựng, bổ sung công trình vệ sinh, hợp thức đất quốc phòng, hỗ trợ bàn giao khu gia đình quân đội ra địa phương quản lý…
Kết quả ban đầu, các đơn vị đã từng bước vận hành tốt cơ chế quản lý tài chính mới, sát yêu cầu nhiệm vụ, bảo đảm kịp thời mọi mặt về doanh trại như điện, nước, doanh cụ, dụng cụ sinh hoạt; các loại vật chất doanh trại mua sắm tập trung bảo đảm thống nhất về giá, chất lượng, mẫu mã.
PV: Những trọng tâm công tác Ngành trong thời gian tới để thực hiện Kết luận số 86-KL/QUTW về tăng cường lãnh đạo công tác hậu cần đến năm 2020 và những năm tiếp theo là gì?
Thiếu tướng Nguyễn Quốc Việt: Thời gian tới, Ngành Doanh trại xác đinh tập trung xây dựng tổ chức Ngành vững mạnh, đủ năng lực, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Cụ thể là:
Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 623-NQ/QUTW, Kết luận số 86-KL/QUTW của QUTW. Tập trung nâng cao khả năng bảo đảm doanh trại cho SSCĐ và các nhiệm vụ đột xuất. Ưu tiên bảo đảm cho các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, biên giới, địa bàn trọng yếu và các đơn vị mới thành lập. Duy trì nghiêm, đề xuất điều chỉnh hợp lý lượng dự trữ vật chất doanh trại SSCĐ theo quy định, sẵn sàng đáp ứng kịp thời các tình huống tác chiến và phòng chống thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn. Nâng cao chất lượng bảo đảm doanh trại cho các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ Trường Sa, Nhà giàn DK và thềm lục địa. Đẩy mạnh xây dựng doanh trại khu vực phòng thủ; gắn xây dựng thế trận, tiềm lực doanh trại ở các cấp với khả năng kinh tế của đất nước, bảo đảm phục vụ tốt cho nhiệm vụ thời bình và sẵn sàng chuyển sang bảo đảm cho chiến tranh.
Tiếp tục hoàn thiện phương thức bảo đảm vật chất doanh trại phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Phát huy sức mạnh tổng hợp, khai thác triệt để các nguồn lực để tăng khả năng bảo đảm; quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả các nguồn kinh phí, chống lãng phí, giữ ổn định và ngày càng cải thiện đời sống bộ đội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ của Quân đội.
Đầu tư nâng cấp, mua sắm, nghiên cứu cải tiến, đổi mới vật chất, trang bị doanh trại phù hợp với yêu cầu xây dựng Quân đội trong tình hình mới, chính quy, đồng bộ với trang bị quân sự, từng bước hiện đại. Tập trung thực hiện tốt các chương trình, mục tiêu Nghị quyết số 623-NQ/QUTW và Kết luận số 86-KL/QUTW.
Tham mưu, đề xuất kiện toàn tổ chức ngành Doanh trại các cấp, bảo đảm tinh, gọn, mạnh, tập trung, thống nhất, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Tập trung giải quyết các vấn đề còn bất cập, mất cân đối về biên chế; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên doanh trại có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đủ năng lực, trình độ nghiệp vụ chuyên môn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Tích cực nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ mới và các sáng kiến vào thực tiễn công tác Ngành nhằm nâng cao chất lượng công tác.
PV: Đồng chí có kiến nghị, đề xuất gì để triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án của Ngành trong thời gian tới?
Thiếu tướng Nguyễn Quốc Việt: Để thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án của Ngành trong thời gian tới, đề nghị QUTW, BQP nghiên cứu, đề xuất với Đảng, Nhà nước, Chính phủ hoàn thiện các cơ chế, chính sách; sửa đổi Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Quản lý Tài sản công; sửa đổi, bổ sung các nghị định nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch của Ngành như: Đầu tư xây dựng công trình doanh trại; quản lý sử dụng đất quốc phòng; công tác chính sách nhà ở cho cán bộ quân đội… làm cơ sở để ngành Doanh trại triển khai thực hiện tốt các mục tiêu, chương trình, kế hoạch, đề án đã đề ra.
PV: Xin cảm ơn đồng chí Cục trưởng!
HỒNG QUANG (thực hiện)