Vừa qua, thực hiện chủ trương đổi mới phương thức bảo đảm vật chất hậu cần của Bộ Quốc phòng, Quân khu 3 đã tiến hành tổ chức đấu thầu tập trung cung cấp thuốc, VTYT cho các bệnh viện của Quân khu. Bước đầu, cách làm này đã phát huy hiệu quả tốt.
Trước năm 2016, công tác đấu thầu cung ứng thuốc, VTYT do các bệnh viện quân y (BVQY) tự tổ chức. Mặc dù có nhiều cố gắng, song do nhiều nguyên nhân nên hiệu quả, kết quả cung ứng, chất lượng thuốc, VTYT có những hạn chế nhất định như khả năng cạnh tranh thấp, giá thuốc, VTYT (cùng loại) trúng thầu của các bệnh viện khác nhau, gây khó khăn cho công tác quản lý. Để góp phần nâng cao chất lượng thuốc, VTYT phục vụ khám chữa bệnh cho bộ đội và nhân dân theo chủ trương của Bộ, đầu năm 2016, được sự nhất trí của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 3, Cục Hậu cần đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành chuẩn bị các nội dung công việc để triển khai tổ chức đấu thầu mua thuốc, VTYT tập trung cho hai bệnh viện, đảm bảo công khai, đúng luật, đúng hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng, thực hiện cung ứng thuốc bảo đảm đủ số lượng, chất lượng tốt, giá cả phù hợp, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho bộ đội và nhân dân.
Căn cứ Luật Đấu thầu và các văn bản liên quan, Chủ nhiệm Hậu cần Quân khu quyết định thành lập Hội đồng Đấu thầu (do đồng chí Phó trưởng phòng Quân y (PQY) làm Chủ tịch Hội đồng, các thành viên gồm 2 đồng chí giám đốc BVQY và các đồng chí trợ lý PQY, Ban Tài chính/Cục Hậu cần, dược sĩ của 2 bệnh viện); Tổ Chấm thầu (do đồng chí Phó trưởng PQY làm Tổ trưởng, các thành viên gồm đại diện Ban Tài chính/Cục Hậu cần, Khoa Dược/BVQY5, 7 và các đồng chí trợ lý PQY); Tổ Thẩm định Kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu (do đồng chí Trưởng PQY làm Tổ trưởng, thành viên gồm các đồng chí trợ lý PQY và đại diện Phòng Giám định Bảo hiểm Y tế tỉnh Ninh Bình và Hải Dương). Các cán bộ làm công tác đấu thầu được Cục Hậu cần cử đi học về nghiệp vụ đấu thầu theo quy định. Riêng cán bộ tham gia đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT) đều là dược sĩ có trình độ từ đại học trở lên, có chứng chỉ nghiệp vụ đấu thầu và đủ điều kiện tham gia chấm thầu theo quy định.
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, Hội đồng Đấu thầu đã phối hợp với các cơ quan xây dựng kế hoạch, triển khai các bước đảm bảo chặt chẽ, đúng quy trình, quy định của Chính phủ, Bộ Quốc phòng và Bộ Y tế. Thông báo mời thầu công khai trên mạng đấu thầu quốc gia và Báo Đấu thầu/Bộ Kế hoạch & Đầu tư. Tổ chức xây dựng và phát hành Hồ sơ mời thầu; tổ chức đóng thầu, mở thầu đúng quy định của pháp luật. Quá trình chấm thầu được tổ chức tập trung tại Cục Hậu cần, bảo đảm khách quan, trung thực, minh bạch, đúng nguyên tắc. Kết quả đánh giá HSDT được Bảo hiểm Xã hội tỉnh Hải Dương và Ninh Bình kiểm tra, thống nhất; sau đó được Tổ Thẩm định tiến hành thẩm định, báo cáo Chủ nhiệm Hậu cần Quân khu. Tiếp đó, Cục Hậu cần tổ chức Hội nghị ký hợp đồng nguyên tắc (thỏa thuận khung) giữa Chủ nhiệm Hậu cần Quân khu với đại diện các nhà thầu.
Sau khi được Chủ nhiệm Hậu cần Quân khu ký phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, kết quả trúng thầu sẽ được thông báo công khai trên mạng đấu thầu quốc gia. Những nhà thầu được xem xét, đề nghị trúng thầu khi đáp ứng đầy đủ yêu cầu sau: Có HSDT hợp lệ; có năng lực và kinh nghiệm, có đề xuất về kỹ thuật đáp ứng yêu cầu theo quy định về tiêu chuẩn đánh giá HSDT; có sai lệch thiếu không quá 10% giá dự thầu; đáp ứng các điều kiện theo quy định tại bảng dữ liệu đấu thầu. Đối với mặt hàng thuốc trúng thầu phải đáp ứng các quy định về quản lý giá thuốc hiện hành, có giá đề nghị trúng thầu thấp nhất hoặc giá đánh giá thấp nhất hoặc điểm tổng hợp cao nhất. Trong trường hợp giá đề nghị trúng thầu hoặc giá đánh giá hoặc điểm tổng hợp của một số nhà thầu bằng nhau thì lựa chọn mặt hàng thuốc để xem xét đề nghị trúng thầu theo thứ tự ưu tiên: Tiếp theo, Chủ nhiệm Hậu cần Quân khu ủy quyền cho giám đốc bệnh viện ký hợp đồng cung ứng với các nhà thầu theo kết quả đấu thầu đã được phê duyệt. Qua đợt kiểm toán tháng 7/2017, Kiểm toán Nhà nước kết luận công tác đấu thầu mua thuốc, VTYT của Cục Hậu cần Quân khu 3 đảm bảo đúng thủ tục, quy trình, công khai, đúng pháp luật.
Kết quả cụ thể năm 2016-2017 của BVQY 7: có 54 nhà thầu trúng thầu, tổng giá trị trúng thầu là 130,36 tỷ đồng với 973 mặt hàng. Đối với BVQY 5, có 43 nhà thầu trúng thầu, tổng giá trị trúng thầu là 60,71 tỷ đồng, với 917 mặt hàng.
Kết quả đấu thầu năm 2017-2018 của BVQY 7: Có 101 nhà thầu dự thầu, 78 nhà thầu trúng thầu, với 1.229 mặt hàng, tổng trị giá hợp đồng là 139,72 tỷ đồng. BVQY 5 có 68 nhà thầu tham gia dự thầu, 50 nhà thầu trúng thầu, với 823 mặt hàng, tổng trị giá hợp đồng 59,16 tỷ đồng. Thời gian cung ứng theo hợp đồng cả 2 bệnh viện là 12 tháng (từ tháng 9-2017 đến hết tháng 8-2018).
Kết quả đấu thầu tập trung cung ứng thuốc, VTYT năm 2016 và năm 2017 cho thấy có nhiều ưu điểm như: Việc tổ chức đấu thầu công khai trên mạng đấu thầu quốc gia đã khuyến khích số lượng lớn nhà thầu tham gia, tăng hơn so với những năm trước đây, nâng cao tính cạnh tranh, tăng sự lựa chọn trong đấu thầu. Năm 2016, gói thầu mua thuốc của BVQY 7 có 54 nhà thầu tham gia (năm 2015 bệnh viện tổ chức đấu thầu chỉ có 30 nhà thầu tham gia). Gói thầu mua thuốc của BVQY 5 năm 2016 có 43 nhà thầu tham gia (năm 2015 có 25 nhà thầu tham gia). Các mặt hàng thuốc, VTYT trúng thầu đều bảo đảm kịp thời về số lượng, đáp ứng chất lượng theo tiêu chí, kỹ thuật của Bộ Y tế. Giá trúng thầu phù hợp với mặt bằng chung; không có hiện tượng thuốc giả, thuốc kém chất lượng lưu hành trong 2 bệnh viện (theo kết quả kiểm nghiệm, đánh giá của Trung tâm Kiểm nghiệm Dược Quân đội - tháng 5/2017). Trong quá trình tổ chức đấu thầu, những vướng mắc phát sinh đều được giải quyết kịp thời, thỏa đáng, đúng quy định. Nguồn cung cấp, giá thuốc, VTYT ổn định trong cả năm nên các bệnh viện chủ động trong việc khám chữa bệnh, kể cả trong trường hợp trên thị trường khan hiếm hoặc không có. Ví dụ: Thuốc tiêm Ketamin HCl 0,5g 10ml (Ketamin 500mg) do hãng Rotex Đức sản xuất, có giá trúng thầu/giá kê khai là 46.200/52.500 đồng/lọ. Dung dịch tiêm truyền MG-Tan Inj.960ml (Glucose 11%, Amino Acids 11,3%, Fat Emulsion 20%)/hãng MG-Hàn Quốc, giá 525.000/590.000đ/túi. Dịch truyền Metronidazol Kabi (Metronidazol 500mg/100ml) Fresenius Kabi Bidiphar, Việt Nam, giá 8.925/14.400đ/chai. Thuốc bột Sorbitol 5g (Sorbitol 5g) do Cty TNHH MTV Dược phẩm Hậu Giang sản xuất, giá 630/1.050đ/gói. Thuốc Zentobiso 10mg (Bisoprolot fumarate10mg) của Niche Generics Ltd., Ireland, giá 6.600/7.100đ/viên… Cũng thông qua quá trình tổ chức đấu thầu, trình độ chuyên môn, quản lý nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ làm công tác đấu thầu được nâng lên.
Bên cạnh những ưu điểm nổi bật nêu trên, công tác đấu thầu thuốc, VTYT ở Quân khu 3 còn có những hạn chế, đó là: Việc lập dự trù các mặt hàng thuốc, VTYT của các bệnh viện chưa sát với nhu cầu thực tế, do đó số lượng thuốc nhập thấp hơn so với kết quả đã trúng thầu. Cán bộ làm công tác đấu thầu, có đồng chí trình độ còn hạn chế, chưa có nhiều kinh nghiệm. Ngoài nhiệm vụ đấu thầu, cán bộ PQY còn phải thực hiện các nhiệm vụ công tác thường xuyên, do đó việc tổ chức đấu thầu cũng có ảnh hưởng đến chất lượng công tác chuyên môn và công tác đấu thầu. Một số nhà thầu còn thiếu hoặc chưa minh bạch trong cung cấp các thông tin, chứng từ minh chứng về năng lực, kinh nghiệm, khả năng kỹ thuật và tài chính…
Từ thực tiễn triển khai thực hiện phương thức đấu thầu thuốc, VTYT tập trung cung ứng cho các bệnh viện của Quân khu 3 cho thấy: Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đấu thầu thuốc, VTYT, đòi hỏi đội ngũ cán bộ làm công tác đấu thầu phải thường xuyên nắm chắc các văn bản đang có hiệu lực thi hành như: Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26/11/2013 của Quốc hội; Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu; Thông tư số 11/2016/TT-BYT ngày 11/5/2016 của Bộ Y tế về việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập; Thông tư số 88 của Bộ Quốc phòng về công tác đấu thầu và các văn bản liên quan. Đồng thời, cập nhật kịp thời những văn bản hướng dẫn, quy định của Bộ Y tế về công tác đấu thầu và thông tin về thuốc, VTYT có mặt trên thị trường. Các bệnh viện phải nắm chắc số lượng thu dung, cơ cấu mặt bệnh, dự báo tình hình dịch bệnh có thể xảy ra trên địa bàn… làm cơ sở xây dựng dự trù thuốc sát với nhu cầu điều trị. Xây dựng hoàn chỉnh quy trình mẫu về công tác tổ chức đấu thầu mua thuốc, VTYT tập trung làm cơ sở chỉ đạo công tác đấu thầu những năm tiếp theo. Đối với đơn vị tổ chức đấu thầu (Cục Hậu cần, trực tiếp Hội đồng Đấu thầu) phải phối hợp chặt chẽ với các bệnh viện và cơ quan bảo hiểm xã hội trong quá trình tổ chức đấu thầu. Khi phát hồ sơ mời thầu phải yêu cầu nhà thầu cung cấp đầy đủ, trung thực các thông tin, chứng từ minh chứng về năng lực, kinh nghiệm, khả năng kỹ thuật, tài chính để đảm bảo đấu thầu thành công.
Đề nghị Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Cục Quân y/Tổng cục Hậu cần và các cơ quan liên quan nghiên cứu, chỉ đạo các đơn vị tổ chức đấu thầu mua thuốc, VTYT tập trung cho các bệnh viện và quân y đơn vị thuộc quyền theo phạm vi phù hợp để bảo đảm chất lượng tốt, giá cả hợp lý, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về khám chữa bệnh của bộ đội và nhân dân trong thời gian tới.
Chọn nhà thầu có giá đề nghị trúng thầu thấp nhất; mặt hàng thuốc có điểm kỹ thuật cao hơn hoặc mặt hàng thuốc sản xuất trong nước có chất lượng tương đương; mặt hàng thuốc có chất lượng, hiệu quả đã được kiểm chứng thực tế sử dụng tại các cơ sở y tế; mặt hàng của nhà thầu có kinh nghiệm, uy tín trong cung ứng thuốc.
Giá thuốc, VTYT cung cấp cho các bệnh viện thấp hơn giá bán buôn của các cơ sở sản xuất, kinh doanh đăng ký, kê khai với cơ quan quản lý Nhà nước.
Đại tá NGUYỄN HỒNG QUANG