Trâu trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam

Cùng với cây lúa nước, con trâu gắn liền với nền văn minh lúa nước Việt Nam và cả Đông Nam Á. Chiếc sừng trâu gợi lên hình ảnh trăng lưỡi liềm, biểu tượng của nước trong tín ngưỡng nông nghiệp. Thời khắc giao thừa, người ta nhìn dáng trâu nằm hay đứng, ngoảnh đầu ra cửa hay vào trong để biết năm đó làm ăn có thuận lợi hay không.

Trâu vàng trong truyền thuyết dân gian còn được tôn sùng là một con “vật thiêng” có khả năng trừ ma quái, bảo vệ dân lành. Có thể nói, tín ngưỡng thờ trâu vàng phản ánh nguyện vọng về một cuộc sống yên ổn của người xưa.

leftcenterrightdel
Những con trâu được trang trí đẹp mắt tham gia thi cày tại lễ hội Tịch Điền. Ảnh: CTV 

Nhà nước phong kiến thời Lý - Trần (thế kỷ XI-XIV) rất quan tâm tới việc bảo vệ nguồn sức kéo thể hiện bằng các chính sách như “trọng ruộng, khuyến khích chăm lo phát triển kinh tế nông nghiệp”. Năm 1123, vua Lý Nhân Tông xuống chiếu nhắc nhở: “Trâu là con vật quan trọng cho việc cày cấy, lợi cho người. Từ nay cấm không được giết trâu ăn thịt. Ai làm trái thì trị tội theo pháp luật”.

Hình ảnh trâu gắn với các lễ hội dân gian

Con trâu xuất hiện trong lễ hội dân gian với vai trò là vật tế lễ linh thiêng cũng phản ánh tín ngưỡng nông nghiệp của người nông dân. Vào đầu xuân, theo lệ, vua thân chinh làm lễ tế Thần nông và cày ruộng Tịch điền. Trâu cày ruộng tịch điền phải là trâu đực, nuôi theo chế độ riêng và chay tịnh. Ngày làm lễ, vua bước xuống ruộng cày và đường cày có tính tượng trưng cho một năm cày cấy “phong đăng hòa cốc”, mùa vụ tốt tươi.

Một số vùng nông thôn nước ta thuộc huyện Hoằng Hóa, Nga Sơn (Thanh Hóa), Vĩnh Linh (Quảng Trị) có tục lệ làm Tết Trâu. Sáng mùng một Tết, mỗi con trâu được dán trước trán 1 lá bùa bằng giấy hồng điều để “trừ tà yểm quái”, xua đuổi vận hạn năm cũ, cầu cho trâu sang năm mới được bình an, vô sự, ăn no, cày khỏe.

Hình tượng con trâu trong văn học, nghệ thuật

Trong văn học Đàng Trong, hình ảnh và thân phận con trâu, hiện thực và đầy đủ nhất trong truyện Lục súc tranh công. Sau này thời hiện đại có tác phẩm tác phẩm Mùa lên trâu trong tập truyện Hương rừng Cà Mau của Nhà văn Sơn Nam, kể về cuộc sống của những người nông dân miền Nam vào đầu thế kỷ XX.

Con trâu trong hội họa Việt Nam thể hiện từ những nét in khắc dung dị của tranh Đông Hồ đến nét vẽ hiện thực, tượng trưng và bán trừu tượng, được thể hiện với nhiều chất liệu từ tranh lụa, tranh sơn mài và nhiều nhất là sơn dầu và đặc biệt là qua Tranh Đông Hồ. Hình ảnh con trâu sau đó cũng đi vào hội họa

Việt Nam với các tác phẩm trâu của nhiều họa sĩ như Nguyễn Sáng với bức Chọi trâu, Nguyễn Tư Nghiêm với tranh Con nghé (1957), trong tranh Bùi Xuân Phái cũng có bóng dáng của con trâu. Trâu đã từng là biểu tượng của thể thao Việt Nam, linh vật trong SEA Game 22 năm 2003.

NGỌC TRÂN (sưu tầm)