Chỉ với diện tích 2.000 m2 mặt nước, mỗi năm, Tiểu đoàn thu hoạch trên 22 tấn cá tươi, thu quỹ vốn đơn vị trên 150 triệu đồng...
Theo các đồng chí chỉ huy Tiểu đoàn, những năm trước, đơn vị thường tổ chức nuôi các loại giống cá truyền thống ở địa phương, như diêu hồng, trắm cỏ, trôi, chép...; mỗi năm thu hoạch khoảng 1-1,2 tấn. Sau khi trừ chi phí giống, thức ăn, thu lãi khoảng 7-8 triệu đồng. Tuy nhiên, các giống cá trên thường phát triển chậm, tốn nhiều công sức chăm sóc, lại thường xuyên mắc dịch bệnh. Hơn nữa, do nguồn nước lưu chuyển trong ao hạn chế nên mỗi khi thời tiết thay đổi bất thường, hay xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt; hiệu quả chăn nuôi vì vậy đạt thấp.
    |
 |
Đàn cá trê lai của đơn vị đang kỳ phát triển. |
Nhận thấy trê lai là loại cá dễ nuôi, có khả năng thích nghi với điều kiện môi trường nước khắc nghiệt, cho năng suất cao, lại ít bị dịch bệnh, năm 2017, sau khi tham quan một số hộ gia đình nuôi cá trê lai đạt hiệu quả cao tại địa phương, chỉ huy Tiểu đoàn cho mua 800 con cá trê lai giống về nuôi thử nghiệm. Nhờ có nguồn thức ăn dồi dào tại chỗ, lại được chăm sóc đúng cách, đàn cá phát triển khá tốt. Chỉ sau 6 tháng, đơn vị thu hoạch lứa đầu tiên được gần 1,7 tấn; trừ các loại chi phí, lãi gần 25 triệu đồng. Từ thành công này, năm 2018, Tiểu đoàn đặt mua 10.000 con trê lai giống của cơ sở ươm cá giống có uy tín tại tỉnh Bắc Ninh. Ngoài việc cung ứng con giống đạt chuẩn (từ 250-300 con/kg), cơ sở này còn chịu trách nhiệm vận chuyển cá tận nơi, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho cá suốt quá trình nuôi. Việc chăm sóc cá được giao cho bộ phận nuôi quân, do đồng chí bếp trưởng trực tiếp phụ trách. Để nâng cao trách nhiệm và động viên bộ đội tích cực chăm sóc, quản lý đàn cá nuôi, ngoài việc tạo điều kiện về vốn, nhân lực, thời gian, Tiểu đoàn trích thưởng cho bộ phận chăn nuôi 20% sản lượng cá sau thu hoạch...
Về thức ăn, trê lai là loài ăn tạp, háu ăn, chủ yếu sử dụng thức ăn động vật với số lượng lớn. Vì vậy, trước khi nuôi, chỉ huy Tiểu đoàn chủ động hợp đồng với các cơ sở giết mổ trên địa bàn, thu mua các phụ phẩm sau chế biến, như lòng gà, da lợn... nhằm giảm bớt chi phí mua thức ăn. Trong thời gian 2-3 tuần đầu, khi cá còn nhỏ, các loại phụ phẩm được băm nhỏ, trộn đều với cám công nghiệp trước khi cho ăn. Khi cá đã lớn (đạt từ 200 gam/con), cho ăn trực tiếp các loại phụ phẩm thu mua về, không cần trộn thêm cám. Tuy trê lai ăn nhiều nhưng mỗi ngày đơn vị chỉ cho một lượng thức ăn vừa phải (khoảng 3-10% tổng trọng lượng cá trong ao, tùy theo giai đoạn sinh trưởng). Bởi nếu cho dư thừa, thức ăn không được cá ăn hết sẽ thối rữa, gây bẩn nước, khiến cá dễ bị mắc bệnh. Do cá trê có tập tính ăn theo đàn nên để đàn cá nuôi đạt độ đồng đều về trọng lượng, kinh nghiệm của đơn vị là, mỗi ngày cho cá ăn 3-4 lần, ở nhiều khu vực xa nhau để những con cá nhỏ, yếu hơn cũng có thể giành đủ lượng thức ăn cần thiết.
Trê lai thích ứng với nhiều loại môi trường nước nhưng nếu thường xuyên được bảo đảm nước sạch, không bị nhiễm bẩn, cá sẽ lớn rất nhanh. Vì vậy, trước khi thả, đơn vị tổ chức bộ đội vét sạch bùn, rắc lớp mỏng vôi bột khắp đáy và xung quanh ao để khử độ chua. Sau đó, phơi nắng đáy ao từ 2-3 ngày để tiêu diệt các loại nấm và vi khuẩn gây bệnh. Quá trình chăm sóc, bộ phận chăn nuôi thường xuyên cử người theo dõi hoạt động của cá cũng như màu nước ao để kịp thời phát hiện, điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Định kỳ hằng tuần, bổ sung nước vào ao, giúp đàn cá có môi trường phát triển tốt nhất...
Theo Trung úy QNCN Lã Tuấn Anh, Bếp trưởng, phụ trách tổ chăn nuôi: Sau khi nuôi 5,5-6 tháng, đàn trê lai đạt trọng lượng thương phẩm bình quân 2,5-2,8 kg/con là có thể thu hoạch. Do quân số ăn không nhiều nên đơn vị cho bắt tỉa những con to, phục vụ bữa ăn hằng ngày của bộ đội. Đồng thời, tổ chức đánh bắt, bán cho các nhà hàng, cơ quan, đơn vị đứng chân trên địa bàn. Với giá bán dao động 18.000-20.000 đồng/kg như hiện nay, sau khi trừ chi phí, mỗi năm, Tiểu đoàn thu về quỹ vốn trên 150 triệu đồng, góp phần cải thiện đời sống cán bộ, chiến sĩ.
Bài và ảnh: QUANG HUY