Trước đây, toàn bộ bếp ăn Sư đoàn 316 chủ yếu sử dụng chất đốt là than cám A mua tại các cơ sở cung ứng trên địa bàn. Do nguồn than cám A không ổn định, giá cao, ảnh hưởng đến chất lượng bữa ăn bộ đội. Nhận thấy trên địa bàn đóng quân có rất nhiều xưởng chế biến gỗ, hằng ngày thải ra số lượng lớn mùn cưa, vỏ bào… có thể tận dụng để chế biến thành củi ép làm chất đốt, đầu tháng 11/2016, Sư đoàn triển khai xây dựng trạm sản xuất củi ép, với tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng, trong đó, Cục Quân nhu đầu tư 1,2 tỷ đồng, số còn lại do Sư đoàn tạm ứng để đầu tư. Dây chuyền sản xuất củi ép do Công ty TNHH công nghệ  chế tạo MTC có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh cung cấp và chuyển giao công nghệ kỹ thuật. Trạm được biên chế 8 nhân viên dưới sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của Ban Quân nhu Sư đoàn. Củi ép được sản xuất theo các bước: trộn đều nguyên liệu (mùn cưa và vỏ bào), sấy khô đạt độ ẩm từ 11-15%, sau đó đưa vào máy ép nhanh bằng lực bánh đà, tạo ra sản phẩm củi ép hình trụ, đường kính 15 cm, dài từ 30 - 40 cm.

leftcenterrightdel
Dây chuyền sản xuất củi ép của Sư đoàn 316.

Để chủ động nguồn nguyên liệu, ngay từ đầu năm, Trạm ký hợp đồng thu mua mùn cưa, vỏ bào tại các xưởng chế biến gỗ trên địa bàn đóng quân. Theo tính toán, giá thành củi ép do Sư đoàn sản xuất chỉ từ 1.700 - 1.800 đồng/kg (đã bao gồm phí vận chuyển, sửa chữa trang thiết bị dây chuyền…), rẻ hơn 300 đồng/kg so với sản phẩm cùng loại trên thị trường. So với sử dụng chất đốt bằng than cám A (với giá 2.900 đồng/kg than, mỗi người tiêu thụ 700g than/ngày), tiền chất đốt hết 2.030 đồng/người; sử dụng củi ép, mỗi ngày tiêu thụ 550g củi ép/người, chỉ hết 940-990 đồng/người. Như vậy, sử dụng củi ép giúp Sư đoàn tiết kiệm khoảng  1.050 đồng/ngày/người. Đối với bếp ăn có quân số 500 người, sẽ tiết kiệm trên 420.000 đồng/ngày so với sử dụng than cám. Qua sử dụng cho thấy, củi ép do Sư đoàn sản xuất bắt lửa nhanh, nhiệt lượng tỏa ra không quá cao so với than cám, do vậy kéo dài tuổi thọ của bếp lò hơi; lượng khói, bụi tỏa ra môi trường ít hơn nhiều so với than, giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe người trực tiếp sử dụng; khu vực bếp nấu sạch sẽ; tàn tro có thể tận dụng để cải tạo đất.

Theo kinh nghiệm của Sư đoàn 316, nên mua mùn cưa vào thời điểm từ tháng 4-12 hằng năm để dự trữ vì lúc này các xưởng chế biến gỗ trên địa bàn hoạt động nhiều nên giá mùn cưa thấp. Quá trình sản xuất, cần sấy mùn cưa đạt độ ẩm 11-15% là tốt nhất. Nếu độ ẩm cao, sản phẩm dễ gãy, bở, khó bắt lửa; độ ẩm thấp hơn, liên kết thanh củi kém. Để hạn chế khói bụi tỏa ra môi trường, cần lắp trực tiếp giàn phun nước hạt nhỏ trên đỉnh ống thoát khói, khi sản xuất cho phun nước. Đồng thời bố trí kho chứa chất đốt đủ  rộng, tránh ẩm ướt.

Mô hình sản xuất củi ép ở Sư đoàn 316 tuy mới áp dụng nhưng mang lại hiệu quả thiết thực, giúp đơn vị ổn định nguồn chất đốt, giá rẻ, nâng cao chất lượng bữa ăn bộ đội, góp phần hạn chế chất thải độc hại ra ngoài môi trường. Các đơn vị có thể nghiên cứu và triển khai phù hợp với điều kiện, khả năng của đơn vị mình.

Bài, ảnh: THẢO HÀ