TCLH đòi hỏi một cơ chế chỉ huy, điều hành tác chiến linh hoạt, thống nhất, trình độ cao, đồng thời đặt ra yêu cầu phải xây dựng quân đội hiện đại, tổ chức tốt bảo đảm hậu cần (BĐHC) cho tác chiến. BĐHC trong TCLH có vai trò rất quan trọng, với những đặc trưng cơ bản sau:

Một là, bảo đảm hậu cần theo một thể thống nhất

TCLH diễn ra trên các môi trường, tổ chức các quân, binh chủng thành một thể thống nhất, có quan hệ chặt chẽ với nhau, cường độ tác chiến nhanh, thời gian tiến hành chuẩn bị tác chiến và các hoạt động bảo đảm tác chiến ngắn, đòi hỏi công tác chỉ huy hậu cần phải kịp thời, hiệu quả cao. Chỉ huy tập trung, thống nhất có tác dụng: Liên kết các lực lượng hậu cần (LLHC) thành một chỉnh thể thống nhất, tạo sức mạnh tổng hợp, nâng cao khả năng bảo đảm cho tác chiến.

Thông tin tác chiến, thông tin hậu cần luôn thông suốt; xử lý kịp thời, chính xác, điều chỉnh nhanh chóng các nguồn lực, đáp ứng yêu cầu các lực lượng trên chiến trường. Tạo khả năng phản ứng linh hoạt trước những thay đổi, tình huống đột xuất trên chiến trường, đảm bảo cho người chỉ huy nắm chắc, chỉ huy hậu cần kịp thời cả tiền tuyến và hậu phương.

leftcenterrightdel
Các lực lượng vận chuyển vũ khí trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ảnh minh họa/tư liệu 

Hai là, cơ cấu hậu cần đa dạng hóa

Để thích ứng với TCLH, LLHC thường được tổ chức thành nhiều chuyên ngành, vừa có lực lượng bảo đảm của Lục quân, Hải quân, Không quân... ở chiến trường tác chiến, vừa có LLHC chiến lược và lực lượng chi viện từ các chiến trường khác; vừa có lực lượng trong biên chế tương đối ổn định, vừa có lực lượng dự bị, sẵn sàng chi viện bảo đảm cho các tình huống khẩn cấp; không chỉ có lực lượng bảo đảm của quân đội, mà còn có lực lượng chi viện của các cơ quan dân sự. Do vậy, căn cứ vào nhu cầu tác chiến và nguyên tắc BĐHC, tổ chức một cách khoa học LLHC đa ngành, phân công nhiệm vụ bảo đảm hợp lý, triển khai lực lượng bảo đảm phù hợp, xác định rõ mối quan hệ chỉ huy.

Trong TCLH, sử dụng LLHC của các quân, binh chủng và lực lượng tại khu vực tác chiến là chính. Tuy nhiên, căn cứ vào nhu cầu và khả năng thực tế, cũng có thể điều động LLHC của các chiến trường khác và lực lượng ở các khu vực khác chi viện.

Trong chiến tranh vùng Vịnh, Quân đội Mỹ không chỉ coi trọng LLHC trong biên chế, mà còn chú trọng sử dụng lực lượng BĐHC huy động từ lực lượng dự bị động viên. Trong 24,5 vạn nhân viên hậu cần làm việc tại vùng Vịnh, có 80% là nhân viên dự bị động viên liên quan đến mọi ngành khoa học kỹ thuật và kinh tế quốc dân. Đồng thời để giải quyết nhiệm vụ BĐHC, Mỹ còn thuê một khối lượng lớn công nhân nước ngoài đang làm việc tại vùng Vịnh.

Có thể xây dựng cơ cấu chỉ huy hậu cần tập trung, thống nhất theo 3 phương thức sau: (1) Lấy hậu cần trong biên chế của đơn vị là chủ yếu, kết hợp với hậu cần của các quân, binh chủng, lực lượng liên quan; (2) Hậu cần do cấp trên tổ chức; (3) Hậu cần do cấp trên điều động cùng với hậu cần đơn vị thực hành tác chiến. Tuy nhiên, dù áp dụng phương thức nào cũng phải đảm bảo tính tổng hợp (hợp thành) cao, đáp ứng yêu cầu chỉ huy thống nhất, kịp thời theo yêu cầu tác chiến.

Lực lượng TCLH thường được điều động từ các quân, binh chủng, kết hợp với lực lượng khu vực tác chiến, với vũ khí, phương tiện, trang bị hiện đại. Do đó, so với tác chiến truyền thống, quan hệ BĐHC có những thay đổi lớn, đòi hỏi tính tổng hợp cao và rất linh hoạt. Có 3 hình thức cơ bản tổ chức hệ thống BĐHC, gồm: (1) Hệ thống bảo đảm phân cấp, được áp dụng khi tuyến tác chiến tương đối dài, điều kiện vận chuyển khó khăn, khó bảo đảm toàn diện cho các đơn vị tác chiến theo hình thức vượt cấp. (2) Hệ thống bảo đảm vượt cấp, thường được áp dụng khi phạm vi không gian tác chiến tương đối nhỏ, căn cứ hậu cần cấp trên cách hậu cần các đơn vị tác chiến không xa, có thể sử dụng các phương tiện vận chuyển để thực hiện bảo đảm nhanh. (3) Hệ thống bảo đảm kết hợp, thực hiện bảo đảm cho một số đơn vị theo hình thức phân cấp và cho một số đơn vị khác theo hình thức vượt cấp.

Ba là, triển khai bố trí lực lượng hậu cần theo hướng mạng lưới hóa

Các cơ sở BĐHC TCLH được xây dựng trên toàn bộ chiến trường tác chiến, thành một mạng lưới bảo đảm nối liền trên dưới, dọc ngang, nhiều tầng, nhiều hướng, nhiều kênh, vừa bảo đảm tác chiến trên bộ, vừa bảo đảm tác chiến trên không, trên biển...

Mạng lưới hóa việc triển khai LLHC tác chiến, một mặt đảm bảo cho LLHC được triển khai trên mọi hướng, vừa có thể bảo đảm theo chiều dọc vừa có thể bảo đảm theo chiều ngang, thuận tiện cho việc triển khai rộng rãi LLHC, người lính dù ở hướng, khu vực tác chiến nào đều được đảm bảo một cách kịp thời, có hiệu  quả; mặt khác, tạo điều kiện cho LLHC thuận lợi trong điều chỉnh lực lượng, sẵn sàng hình thành trong lực lượng mới, thực hiện bảo đảm liên tục, không gián đoạn, linh hoạt, cơ động ngay cả khi chiến trường bị chia cắt, thực hiện bảo đảm độc lập.

Trong chiến tranh vùng Vịnh, Quân đội Mỹ xây dựng ở Ả-rập Xê-út nhiều căn cứ hậu cần tại chỗ và nhiều căn cứ hậu cần phía trước, nên đã nhanh chóng xếp dỡ, bố trí các trang bị, vật tư phục vụ cho cuộc tiến công I-rắc do 578 máy bay và 140 tàu vận tải biển vận chuyển đến.

Bốn là, phương thức bảo đảm hậu cần theo hướng lập thể hóa

Phương thức BĐHC trong TCLH mang tính lập thể hóa cao giữa mặt đất, trên không, trên biển. TCLH trong chiến tranh công nghệ cao, số lượng vũ khí, trang thiết bị, vật chất thường rất lớn, khả năng vận tải khó khăn… Do đó, ngoài tổ chức tốt vận tải trên bộ, cần đẩy mạnh hoạt động vận tải trên không, trên biển. Trong cuộc chiến tranh ở quần đảo Man-vi-nát (1982), cả hai bên Anh và Ác-hen-ti-na đã sử dụng hơn 30 máy bay tiếp dầu trên không, 235 trực thăng các loại, vận chuyển một khối lượng lớn binh lực, vũ khí, trang bị, vật tư chiến tranh như xe tăng, pháo, bom, đạn, nhiên liệu, lương thực thực phẩm...

Riêng 12 chiếc trực thăng của Đại đội Không quân - Hải quân số 846 của Quân đội Anh trong 45 ngày đã vận chuyển hơn 65.000 tấn trang bị và đồ tiếp tế và hơn 9.000 binh sĩ. Trong Chiến tranh vùng Vịnh, ngoài vận tải đường biển, Mỹ còn tổ chức vận tải đường không, đã vận chuyển được 47,7 vạn quân, 44,1 vạn tấn vũ khí, trang bị, vật chất.

Năm là, phòng vệ hậu cần theo hướng tổng thể hóa

Chiến tranh hiện đại ngày càng phải dựa nhiều vào công tác hậu cần. Do đó, trong TCLH, phá hoại hậu cần của đối phương là tư tưởng chỉ đạo tác chiến quan trọng. Hậu cần tác chiến trở thành mục tiêu trinh sát, tình báo và tập kích của các loại vũ khí chính xác tầm xa của đối phương, đòi hỏi phải xây dựng hệ thống phòng vệ hậu cần tổng thể, đó là: Bộ chỉ huy TCLH phải đưa nội dung phòng vệ hậu cần vào kế hoạch tác chiến tổng thể, triển khai binh lực một cách thống nhất, tăng cường bảo vệ mục tiêu hậu cần, đặc biệt là đảm bảo sự thông suốt các tuyến vận tải.

Nâng cao khả năng phòng vệ của hệ thống hậu cần, tổ chức các đơn vị tác chiến tương ứng, hình thành một lực lượng phòng vệ tổng thể, trang bị các vũ khí thích hợp, tổ chức huấn luyện, nâng cao khả năng tác chiến, đảm bảo LLHC vừa là lực lượng bảo đảm, vừa là lực lượng chiến đấu. Kết hợp chặt chẽ sơ tán, phân tác, ẩn nấp với sử dụng các kỹ thuật “tàng hình” tiên tiến.

Trong Chiến tranh vùng Vịnh, I-rắc tổ chức nghi binh bằng cách xây dựng kho tàng giả, đã có hiệu quả nhất định trong việc đánh lừa đối phương.

Sáu là, cơ chế hậu cần theo hướng nhất thể hóa

Để đáp ứng yêu cầu chỉ huy tập trung và bảo đảm thống nhất trong TCLH, thể chế hậu cần có sự kết hợp giữa thống nhất tập trung với phân chia trách nhiệm, đồng thời không ngừng mở rộng phạm vi liên kết. Ngay từ năm 1960, Quân đội Mỹ đã thành lập Cục Hậu cần quốc phòng, thống nhất phụ trách việc chuẩn bị và quản lý vật chất thông dụng bảo đảm cho 3 quân chủng, biến hệ thống độc lập của hậu cần 3 quân chủng thành hệ thống hậu cần liên kết 3 quân chủng, giảm bớt các khâu hiệp đồng, nâng cao khả năng bảo đảm. Nội dung chủ yếu của cơ chế BĐHC TCLH theo hướng nhất thể hóa, gồm:

Nhất thể hóa giữa quân sự với dân sự, xây dựng thể chế bảo đảm kết hợp quân đội với địa phương, quân sự kết hợp với dân sự; giữa các quân, binh chủng về bảo đảm vật tư chuyên dụng; giữa hậu cần chiến lược và chiến dịch, BĐHC chiến dịch do LLHC chiến lược cùng LLHC chiến trường và hậu cần các quân, binh chủng trực tiếp tổ chức thực hiện; giữa các chuyên ngành hậu cần, các cơ quan tổ chức LLHC theo một hệ thống bảo đảm thống nhất, lấy chức năng chủ yếu làm trung tâm, có sự kết hợp với các chức năng khác.

TCLH trong chiến tranh hiện đại sử dụng số lượng vũ khí, trang bị công nghệ cao, lực lượng tham gia chiến đấu, phục vụ rất lớn; tác chiến diễn ra trong không gian rộng, đa chiều, trên các môi trường tác chiến, với các hoạt động và nhiều loại hình tác chiến đa dạng, nhiều hướng, mũi phòng ngự, tiến công lớn, mức độ đối kháng giữa các bên tham chiến rất quyết liệt…  tạo nên những đặc trưng nổi bật hoạt động BĐHC, cần nghiên cứu nắm chắc, vận dụng phù hợp trong những trường hợp nhất định.

Đại tá LÃ VIỆT CƯỜNG, Viện Chiến lược quốc phòng