Thực hiện mưu đồ đó, cuối năm 1287, hơn 50 vạn quân Nguyên-Mông do Thoát Hoan (con trai Hốt Tất Liệt) làm tổng chỉ huy từ nhiều hướng cả thủy lẫn bộ tiến vào xâm lược nước ta. Theo kế hoạch của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, quân ta chặn đánh địch quyết liệt ở một số nơi, rồi dần rút lui, để bảo toàn lực lượng. Lợi dụng điều đó, quân địch tiến xuống Vạn Kiếp (Chí Linh, Hải Dương), hợp cùng đạo quân do Ái Lỗ từ Vân Nam theo sông Hồng tiến xuống và đạo quân thủy với hơn 600 thuyền chiến do Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp chỉ huy, từ Quảng Đông (Trung Quốc) tiến sang. Sau khi xây dựng Vạn Kiếp thành căn cứ quân sự và để lại một phần lực lượng ở lại trông giữ, ngày 02/2/1288, gần 32 vạn quân do Thoát Hoan chỉ huy tiến đánh Thăng Long. Trước sức mạnh của địch, triều đình nhà Trần tạm rút khỏi kinh thành, nhân dân ta thực hiện “vườn không nhà trống”, đồng thời thực hiện đánh du kích, tiêu hao và tiêu diệt sinh lực địch. Vì vậy, đầu tháng 3/1288, Thoát Hoan lệnh rút quân về Vạn Kiếp. Song, ở đây, quân ta liên tục tập kích vào các đồn, trại làm chúng bị tiêu hao, mệt mỏi, dồn chúng vào tình thế khốn quẫn. Cùng với những thất bại liên tiếp ở Vân Đồn, cửa Đại Bàng, Tháp Sơn,.... ngày 30/3/1288, Thoát Hoan đành phải quyết định rút quân về nước. Tướng Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp được lệnh dẫn thủy quân rút trước, quân bộ do Thoát Hoan chỉ huy rút sau theo đường bộ qua Lạng Sơn.

leftcenterrightdel
 Tranh mô phỏng trận chiến Bạch Đằng năm 1288.

Nắm được kế hoạch của địch, bằng kinh nghiệm và tài thao lược của mình, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chủ trương uy hiếp, buộc địch rút chạy và đánh những trận quyết chiến, tiêu diệt quân địch khi chúng đang rút lui. Ông đã cân nhắc rất kỹ và chọn quân thủy của Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp là đối tượng trước hết và chủ yếu của trận quyết chiến chiến lược trên sông Bạch Đằng, nơi nhất định chúng phải đi qua. Tháng 3/1288, đích thân Trần Quốc Tuấn đã nghiên cứu địa hình và quyết định chọn vùng thượng lưu sông Bạch Đằng lập trận địa, bài binh cho trận quyết chiến chiến lược. Đây là đoạn sông dài khoảng 5 km, rộng khoảng 1 km, tiện xây dựng các bãi cọc ngầm có thể dồn 600 thuyền chiến địch lại để tiêu diệt nhanh gọn. Hơn nữa, hai bên bờ sông địa hình núi, rừng hiểm trở, kín đáo, tiện bố trí quân và giữ được bí mật cho trận mai phục lớn.

Cuối tháng 3/1288, từ Vạn Kiếp, đạo quân thủy của ô Mã Nhi, Phàn Tiếp bắt đầu rút. Trên bờ có kỵ binh do Trình Bằng Phi và Đạt Truật chỉ huy đi hộ tống. Quân ta chặn đánh kỵ binh địch, phá cầu, triệt đường tiến quân, buộc chúng phải tìm đường  quay lại Vạn Kiếp. Ngày 08/4, toán tiên phong thủy quân địch do Lưu Khuê chỉ huy đến Trúc Động (Thủy Nguyên, Hải Phòng) bị quân ta chặn đánh quyết liệt, chúng không thể theo đường sông Giá ra biển mà phải đi theo sông Đá Bạc để ra sông Bạch Đằng. Sáng ngày 09/4/1288, đoàn thuyền chiến của Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp cùng với đoàn thuyền chiến của Lưu Khuê theo sông Đá Bạc tiến xuống sông Bạch Đằng và rơi vào trận địa do ta bày sẵn.

Ban đầu, quân nhà Trần đem binh thuyền khiêu chiến, rồi giả thua rút lui. Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp thúc binh lính đuổi theo. Đúng lúc nước thủy triều xuống, những chiến thuyền đi đầu của địch va phải cọc, hầu hết bị vỡ và đắm, khiến đoàn thuyền chiến của địch dài 3-4 km bị dồn cả lại. Thừa cơ hội đó, quân ta nhanh chóng đánh tạt sườn, chia cắt đội hình chiến thuyền địch.Gần trưa, nước thủy triều rút rất nhanh, chảy xiết, các chiến thuyền giặc tự xô vào cọc, đâm vào nhau ngày càng nhiều.Số địch sống sót phải bỏ chạy lên 2 bờ, bị quân ta bố trí sẵn xông ra tiêu diệt nốt. Đến chiều 9/4/1288 trận đánh kết thúc, toàn bộ đoàn chiến thuyền của địch bị tiêu diệt, tướng Trương Ngọc chết tại trận, tướng Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp, Tích Lệ Cơ đều bị bắt sống, ta thu được 400 chiến thuyền.

Kết thúc trận Bạch Đằng, quân ta nhanh chóng tổ chức truy kích cánh quân của Thoát Hoan rút chạy đến sát biên giới. Ý chí xâm lược của một đạo quân hùng mạnh, từng 3 lần cất quân sang đánh chiếm nước ta từ đây bị đè bẹp hoàn toàn.

Trận đánh thành công vang dội đã cho thấy tài thao lược tuyệt vời của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn cả về trình độ chỉ huy, chỉ đạo, nghệ thuật tác chiến cũng như về việc tổ chức bảo đảm hậu cần (BĐHC). Riêng về công tác BĐHC cho trận đánh, có thể rút ra  một số nét chủ yếu sau:

Một là,dựa vào nền tảng hậu phương được tổ chức vững chắc.

Để chuẩn bị đối phó với nguy cơ chiến tranh ngày càng tới gần, trong suốt 30 năm, kể từ cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ 1(1258), đến cuộc kháng chiến lần thứ 3 (1288), quân và dân nhà Trần đã tập trung mọi nỗ lực để xây dựng hậu phương vững chắc về kinh tế, chính trị, quân sự, tạo nền tảng vững chắc bảo đảm cho đánh thắng quân xâm lược Nguyên-Mông và trận Bạch Đằng nói riêng. Phương châm xây dựng hậu phương của nhà Trần thể hiện cô đọng trong câu nói của Trần Quốc Tuấn với vua nhà Trần năm 1300, trước khi ông mất: “Trên dưới đồng lòng… anh em hoà mục, nước nhà góp sức, giặc tự bị bắt… khoan thư sức dân để làm kế sâu gốc bền rễ, đó là thượng sách để giữ nước”. Để có thóc gạo tích trữ phòng khi chiến tranh, năm 1266, nhà Trần đẩy mạnh việc khai hoang mở rộng diện tích trồng trọt. Từ năm 1265 -1279 đã hai lần đại xá cho phạm nhân trở về quê để tăng sức sản xuất, thực hiện có hiệu quả kế sách “Ngụ binh ư nông” làm cho nông cũng mạnh mà binh cũng mạnh. Về quân sự, nhà Trần thực hiện quan điểm “quân cốt tinh” là kế sách hay từ thời Lý tiếp tục phát huy hiệu quả. Ngoài quân chính quy của triều đình có quân của các địa phương, các vương hầu, các tướng được huấn luyện tốt... Trước nguy cơ chiến tranh, giữa năm 1286, vua Trần cho tuyển mộ thêm quân, sắm thêm vũ khí, đóng thêm chiến thuyền, binh lính được luyện tập binh pháp. Khi quân xâm lược đến, quân dân nhà Trần đã trên dưới một lòng “Tận dân vi binh, cử quốc nghênh địch”- toàn dân là lính, cả nước đánh giặc. Trong trận Bạch Đằng, các đội dân binh, quân của các lộ, trấn đã phối hợp chặt chẽ với quân tinh nhuệ của triều đình dưới sự thống lĩnh của Trần Quốc Tuấn đã tạo nên sức mạnh to lớn tiêu diệt gọn hơn 6 vạn tên địch trong một ngày.

Hai là,tổ chức chuẩn bị hậu cần cho trận quyết chiến chiến lược chu đáo trong một thời gian ngắn, ngay trong vùng luôn bị địch càn quét ác liệt

Ngay sau khi quân Nguyên-Mông tiến vào Vạn Kiếp và sau đó là Thăng Long, quân nhà Trần đã rút về vùng ven biển và Đông Bắc, chuẩn bị địa bàn chiến lược quan trọng cho trận quyết chiến chiến lược. Sau khi đạo quân của Ô Mã Nhi càn quét vùng Yên Hưng, từ giữa tháng 3/1288 quân và dân ta được huy động nhanh chóng vào việc chuẩn bị trong vòng 20 ngày. Trong đó, việc chuẩn bị về hậu cần tiến hành rất khẩn trương, giữ được bí mật tuyệt đối. Trước hết, ta bổ sung đủ thuyền chiến, thuyền nhẹ, dễ cơ động. Các chiến thuyền của ta sau khi đóng xong được chuyển đến vùng sông Bạch Đằng và bố trí ở nơi kín đáo ven sông. Để hoàn thành hệ thống trận địa cọc ngầm, hàng ngàn người dân địa phương hăng hái lên rừng chặt gỗ (chủ yếu gỗ lim) đưa về các địa điểm đã định. Ta nghiên cứu chắc quy luật thủy triều, sử dụng nghệ thuật lừa, dụ địch bằng tác chiến nhỏ lẻ ngăn chặn làm chậm tốc độ hành quân của chúng chờ thời cơ khi nước thủy triều rút mới phát huy trận địa cọc ngầm để diệt địch.

Ba là, tổ chức bảo vệ và huy động nguồn lực hậu cần tại chỗ đáp ứng kịp thời yêu cầu tác chiến

Để huy động khả năng BĐHC tại chỗ hiệu quả, nhà Trần đã giữ vững và phát triển hậu phương tại các vùng đất thuộc khu giải phóng. Mặc dù địch huy động hàng chục vạn quân ào ạt đánh chiếm nước ta, nhưng những vùng hậu phương quan trọng từ nam Vạn Kiếp qua Hải Dương, Quảng Ninh, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An...đều được nhà Trần giữ vững. Đó là nguồn lực hậu cần tại chỗ và kế cận có thể huy động nhanh bảo đảm cho trận Bạch Đằng. Những nơi địch tràn qua và chiếm đóng, nhân dân ta đã thực hiện “vườn không, nhà trống” bảo vệ nguồn hậu cần cho kháng chiến, đồng thời tích cực triệt phá nguồn tiếp tế của địch kết hợp tập kích các trại giặc, làm cho chúng bị tiêu hao, mệt mỏi...Nhân dân và các chủ trang trại vùng Hải Đông, An Quảng (Hải Phòng, Quảng Ninh) tự nguyện cung cấp lương thực, vũ khí; giúp đỡ việc nấu ăn cho quân đội và sẵn sàng tòng quân giết giặc. Triều đình còn lập nhiều kho lương thực lớn ở A Sào (Quỳnh Phụ, Thái Bình), An Hải (Hải Phòng)... và các “áng” rộng, kín đáo như Áng Châu, Áng Hồ, Áng Nác, Áng Cốt...vừa là nơi trú quân, vừa là kho tàng cất giấu lương thực, nơi tổ chức chăm sóc, cứu chữa thương, bệnh binh và cất giấu vũ khí, thuyền bè.

Có thể nói, cách thức tổ chức, bố trí và huy động hậu cần cho trận quyết chiến chiến lược trên sông Bạch Đằng là đỉnh cao nghệ thuật quân sự- hậu cần Việt Nam thế kỷ 13 và là nhân tố quan trọng góp phần kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên-Mông, đập tan ý chí xâm lược của đế quốc Nguyên-Mông, giữ cho dân tộc Đại Việt có được nền độc lập dài lâu ngay sát một đế quốc tàn bạo nhất thời đó, với tham vọng bành trướng, làm bá chủ thế giới.

Đại tá, ThS TRẦN ĐÌNH QUANG

Đại úy ĐẶNG VĂN THẮNG