Dự án đã giúp Viện nâng khả năng phân tích ADN các mẫu hài cốt và sinh phẩm lên nhiều lần (từ 500 mẫu lên 4.000 mẫu/năm). Đây là điều kiện, là cơ sở để thân nhân các gia đình liệt sĩ hy vọng tìm thấy người thân đã hy sinh vì Tổ quốc.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh Viện Pháp y Quân đội.Ảnh: CTV.

Trước đây, việc xử lý và tách chiết mẫu hài cốt liệt sĩ có nhiều công đoạn phải làm thủ công, mất nhiều thời gian, mẫu không đồng đều, ảnh hưởng chất lượng mẫu giám định nhưng từ khi được trang bị hệ thống, dây chuyền hoàn toàn mới, với những tính năng ưu việt, nổi trội, đó là, việc xử lý và tách chiết mẫu được tự động hóa trên nhiều công đoạn như: làm sạch bề mặt bằng bể rửa siêu âm, nghiền mẫu bằng máy tự động có chức năng làm lạnh bằng khí Nitơ lỏng. Công nghệ mới đã xử lý triệt để khả năng lây nhiễm, tránh được hiện tượng đứt gãy, biến tính ADN do nhiệt trong quá trình tách chiết; quá trình nghiền sẽ xác định được lượng mẫu cần tách. Đại úy QNCN Phạm Văn Bình, Kỹ thuật viên Phòng Tách chiết cho biết: “Với hệ thống tách chiết ADN từ mẫu hoàn toàn tự động, chỉ cần 90 phút đã tách chiết được 13 mẫu, rút ngắn được đáng kể thời gian so với trước đây (4 ngày/mẫu) bằng phương pháp tách chiết thủ công”.

Trước khi có Dự án, việc đo nồng độ ADN sau tách chiết sử dụng máy đo OD thông thường nên cần lượng mẫu lớn tương đương 12 µl. Nhưng hiện nay, với hệ thống máy đo quang phổ mới, kỹ thuật viên chỉ cần sử dụng lượng mẫu 1 µl vẫn cho kết quả với độ chính xác cao. Thạc sỹ Nguyễn Thị Hoa, nghiên cứu viên Khoa Xét nghiệm chia sẻ: “Ngoài hệ thống máy đo quang phổ, việc định lượng ADN được thực hiện trên máy Realtime PCR 7500, là hệ thống mà pháp y hình sự trên toàn thế giới đã sử dụng. Nhờ đó mà ADN sau tách chiết được định lượng và đánh giá chính xác trên nhiều thông số qua hệ thống phần mềm phân tích tự động. Qua những thông số đó, chúng tôi có thể định hướng được các bước tiếp theo của quy trình”. Các thiết bị như máy điện di tự động, máy nhân gen, hệ thống giải trình tự mao quản, giải trình tự thế hệ mới đều được đầu tư mới, hoàn toàn tự động tìm dải nhiệt độ tối ưu nhất thông qua 6 dải nhiệt độ chứ không phải là 1 dải duy nhất như trước đây, tạo nên một dây chuyền khép kín, hiện đại nhằm tối ưu quy trình phân tích ADN trong giám định nhận dạng hài cốt liệt sĩ.

Về ưu điểm của hệ thống trang thiết bị mới, Thượng tá Nguyễn Lê Cát, Chủ nhiệm Khoa xét nghiệm đánh giá: Hệ thống trước đây không được trang bị đồng bộ, nhiều công đoạn phải làm thủ công, việc quản lý và kiểm soát chất lượng xét nghiệm khó khăn, dễ lây nhiễm. Chính vì vậy, công suất phân tích thấp hơn. Nay, với hệ thống trang thiết bị được trang bị trong Dự án có tính tự động cao nên việc can thiệp và lượng người sử dụng giảm nhưng công suất tăng lên gấp nhiều lần, hạn chế được sự lây nhiễm ADN trong quá trình thao tác. Đối với những điểm gene của hài cốt liệt sĩ trước đây còn nghi ngờ, không tìm ra được hướng giải quyết, thì hiện nay, thông qua sử dụng hệ thống giải trình tự sao PCR (phản ứng khuếch đại gene) thế hệ mới nhất của thế giới, máy tự tìm ra giải trình tự tối ưu. Thời gian giải trình tự chỉ bằng 1/3 so với trước đây, độ chính xác của tín hiệu nâng lên gấp nhiều lần.

leftcenterrightdel
Kỹ thuật thực hiện định lượng nhân bản ADN trong phòng PCR. Ảnh: CTV.

Bên cạnh những ưu điểm nổi trội của hệ thống máy chính, hệ thống máy phụ trợ của dây chuyền cũng góp phần quan trọng trong việc xét nghiệm ADN. Quá trình tách chiết ADN trước đây hay bị nhiễm với 3 hình thức: Nhiễm từ ngoài vào, từ nhân viên phòng thí nghiệm và nhiễm chéo giữa các mẫu. Với hệ thống phòng sạch mới được xây dựng, Viện đã kiểm soát tốt chất lượng không khí, nồng độ bụi thông qua hệ thống màng lọc nên hạn chế tối đa khả năng lây nhiễm. Các bộ lưu điện được trang bị mới cung cấp nguồn điện ngay lập tức, không có độ trễ, đảm bảo cho hệ thống chạy liên tục 8 giờ khi mất điện, không phải khởi động lại hệ thống từ đầu, rút giảm được nhiều chi phí. Ngoài ra, Phòng Thí nghiệm còn được trang bị hệ thống phần mềm phân tích tiên tiến, hệ thống máy chủ lưu trữ tự động tất cả những dữ liệu đã được phân tích trong cả quá trình tạo nên một kho dữ liệu, được bảo mật, bảo quản tốt giúp cho việc phân tích, nhận định kết quả được nhanh chóng, chính xác.

Việc tập huấn, chuyển giao, làm chủ công nghệ được Viện đặc biệt quan tâm. Nếu như trước đây, các công nghệ chỉ được lắp đặt và chạy thử thì hiện nay, các trang bị đều được các chuyên gia đào tạo, chuyển giao công nghệ trên mẫu thử và mẫu thực. Với cách giảng dạy tận tình, hướng dẫn thực hành trực tiếp trên máy từ các chuyên gia hàng đầu đến từ các hãng cung cấp thiết bị, các kỹ thuật viên của Viện đã tiếp cận và nhanh chóng làm chủ trang thiết bị. Đại tá Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện PYQĐ cho biết thêm: Với chủ trương làm chủ hoàn toàn kỹ thuật của hệ thống, lãnh đạo Viện đã tập trung nhân lực, nguồn lực tham gia tập huấn và tiếp thu các công nghệ. Ngoài đào tạo tại chỗ, Viện còn hợp tác đào tạo với nhiều trung tâm, phòng thí nghiệm về phân tích ADN uy tín hàng đầu trên thế giới như: Phòng thí nghiệm nhận dạng Trung ương Quân đội Hoa Kỳ (CILHI), Phòng thí nghiệm ADN quân đội Hoa Kỳ (AFDIL), Cơ quan nhân chủng học Argentina (EAAF), Trung tâm tìm kiếm và nhận dạng quân nhân mất tích trong chiến tranh Hàn Quốc (MAKRI) để tập huấn cán bộ theo hướng cầm tay chỉ việc cũng như cử cán bộ đi tập huấn, hội thảo tại nước ngoài. Đến nay, các cán bộ, kỹ thuật viên không những sử dụng thành thạo các thiết bị hiện đại mà còn nắm vững công nghệ mới nhất của thế giới về lĩnh vực phân tích, giám định ADN.

Với dây chuyền công nghệ được đầu tư hiện đại cùng với đội ngũ cán bộ, kỹ thuật viên được tập huấn bài bản, chuyên sâu, làm chủ khoa học công nghệ, tin tưởng rằng, Viện PYQĐ sẽ nhanh chóng hiện thực hóa mục tiêu xét nghiệm 4.000 mẫu gene/năm, góp phần xác định sớm danh tính hài cốt liệt sĩ. Đây là việc làm có ý nghĩa nhân văn, thể hiện sự tri ân sâu sắc của Đảng, Nhà nước, Quân đội và cán bộ, nhân viên Viện PYQĐ đối với các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Đối với công tác giám định nhận dạng trong tai nạn, thảm họa -  một loại hình giám định mới trong những năm gần đây, Viện đã thực hiện giám định nhận dạng thành công nạn nhân của nhiều vụ tai nạn, thảm họa. Gần đây nhất, với thành tích đã đạt được trong giám định nhận dạng các thành viên phi hành đoàn của máy bay CASA 212 tại vùng biển đảo Bạch Long Vĩ  - Hải Phòng (2016), Viện đã được Thủ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen. 

THANH TÚ