Theo số liệu của Bộ Y tế, trong 10 năm, gần đây tỷ lệ mắc BTĐ ở nước ta đã tăng gấp 2 lần, từ gần 3% dân số lên đến 5,4%. Ước tính nước ta có khoảng 3 triệu người trưởng thành mắc BTĐ. BTĐ được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”, nhiều người đang sống với bệnh trong một thời gian dài mà không nhận biết được tình trạng bệnh của họ. Đến khi được phát hiện, thường đã kèm theo các biến chứng trầm trọng của bệnh như: đột quỵ, mù lòa, nhồi máu cơ tim, suy thận, liệt dương, tổn thương bàn chân, loét chân, trong đó có nhiều trường hợp phải cắt cụt chân.

Hiện nay, khoa học trên thế giới đã tìm ra phương pháp mới điều trị BTĐ hiệu quả - đó là sử dụng công nghệ tế bào gốc (TBG). Đó là các tế bào chưa biệt hóa, có thể tự tái tạo, có khả năng phân chia vô hạn định, có khả năng sinh sản và tạo nên các tế bào khác với những chức năng chuyên biệt, khi nó được cấy vào môi trường thích hợp. TBG sản sinh ra một cặp tế bào con, trong đó một tế bào sẽ phát triển để biệt hóa, tế bào còn lại phát triển thành TBG mới thay thế tế bào gốc ban đầu. Thuật ngữ “gốc” chỉ ra rằng những tế bào này là nguồn gốc của các tế bào chuyên biệt khác. Trong cơ thể có rất nhiều TBG ở các giai đoạn phát triển khác nhau.

Công nghệ TBG

Công nghệ TBG nghiên cứu các nguồn TBG tốt nhất, nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, nhân lên và đưa vào cơ thể để điều trị, chăm sóc sức khoẻ, sắc đẹp và chống lão hoá. Công nghệ TBG bao gồm 3 nội dung chính là:

Tạo nguồn TBG: tìm kiếm các nguồn cung cấp TBG, tách chiết, nuôi cấy, bảo quản các TBG trong các ngân hàng để có nguồn TBG thường trực sử dụng cho nghiên cứu và ứng dụng TBG.

Biệt hoá TBG: biến đổi các TBG từ chỗ còn non trẻ, chưa có cấu trúc và chức năng chuyên biệt thành tế bào có cấu trúc và chức năng chuyên biệt như tế bào xương, tế bào da, tế bào cơ, tế bào gan, tế bào thần kinh...

Ứng dụng TBG: sử dụng TBG vào các mục đích khác nhau như điều trị bệnh, chăm sóc sức khỏe, trẻ hóa làn da, tăng cường sắc đẹp.

TBG có 3 đặc tính chung: có khả năng phân chia và tự tái tạo trong khoảng thời gian dài; có thể phát triển thành nhiều loại tế bào khác trong cơ thể; khi phân chia, một tế bào phát triển thành TBG mới, một tế bào sẽ phát triển thành một loại tế bào khác với chức năng chuyên biệt như tế bào cơ, tế bào hồng cầu hay tế bào não.

TBG đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cơ thể người. Khi cơ thể bị bệnh hoặc một cơ quan trong cơ thể bị tổn thương, TBG được đưa vào cơ thể sẽ thực hiện 2 chức năng: phục hồi và tái tạo. Đây là cách mà TBG giữ cho cơ thể cân bằng và khỏe mạnh lại. Khi được cấy vào một môi trường thích hợp, TBG có khả năng tăng sinh và biệt hóa thành nhiều loại tế bào, mô và cơ quan trong cơ thể. Vì vậy, y học đã và đang nghiên cứu để ứng dụng TBG chữa nhiều chứng bệnh như: mất trí nhớ, Parkinson, tiểu đường, bệnh tim mạch, đột quỵ, ung thư, chấn thương cột sống. Nghiên cứu TBG cũng mở ra hướng đi khả quan trong tái tạo tế bào và cấy ghép mô, cơ quan nội tạng.

TBG trung mô điều trị bệnh tiểu đường

Ở những bệnh nhân bị mắc BTĐ có nguyên nhân chủ yếu là do hệ miễn dịch của họ tấn công và tiêu diệt các tế bào beta của tuyến tụy (là các tế bào sản xuất ra insulin), hoặc do các tác động của môi trường sống, thói quen ăn uống thiếu khoa học gây tổn thương, hủy hoại tế bào beta của tuyến tụy, làm cho cơ thể thiếu insulin, không thể kiểm soát được lượng đường trong máu một cách tự nhiên.

Theo ý kiến của nhiều nhà khoa học, liệu pháp điều trị tốt nhất đối với BTĐ typ 1và typ 2 là thay thế những tế bào bị phá hủy của các đảo tuyến tụy bằng những tế bào khỏe mạnh để chúng có thể kiểm soát được lượng đường ở trong máu và sản xuất ra insulin. Phương pháp này đã được ứng dụng để điều trị cho hàng trăm bệnh nhân, tuy nhiên có một nhược điểm lớn là hệ miễn dịch tấn công các tế bào được cấy ghép, vì vậy bệnh nhân phải sử dụng thuốc điều hòa miễn dịch suốt đời.

Phương pháp  sử dụng các tế bào gốc trung mô điều trị bệnh nhân bị tiểu đường đã giải quyết được vấn đề nan giải này. Do việc sử dụng tế bào gốc trung mô sẽ loại trừ quá trình tự miễn nhờ hệ thống điều hòa miễn dịch của TBG trung mô nên trước đây người ta đã ứng dụng các tế bào này để điều trị hàng loạt các bệnh tự miễn có hiệu quả, trong đó có bệnh viêm khớp dạng thấp, luput  ban đỏ hệ thống, bệnh xơ cứng lan tỏa và các bệnh khác

Năm 2015, tại Viện Nghiên cứu khoa học về BTĐ Hoa Kỳ, dưới sự hướng dẫn của giáo sư Jay Skyler, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu những bệnh nhân sử dụng TBG trung mô qua đường tiêm tĩnh mạch. 61 người bị bệnh tiểu đường typ 2 (mức HbA1c ≥ 7,0%) tham gia thử nghiệm được chia làm 2 nhóm: nhóm 1 được tiêm tĩnh mạch các TBG trung mô với các nồng độ khác nhau; nhóm 2 - nhóm chứng (placebo). Sau 12 tuần thử nghiệm, tất cả các bệnh nhân trong nhóm thí nghiệm không phát hiện được kháng thể HLA với các TBG trung mô của người hiến máu, mức  HbA1c đều giảm đáng kể so với nhóm chứng, tiếp tục giảm theo thời gian điều trị, không phụ thuộc vào nồng độ TBG trung mô được tiêm. Ở nhóm chứng, nồng độ đường trong máu trước và sau thử nghiệm đều giữ ở mức cao. Sở dĩ đạt được hiệu quả điều trị như vậy là do có sự suy yếu phản ứng tự miễn dịch của cơ thể đối với các tế bào β sản xuất ra insulin và có sự tái tạo tế bào của tuyến tụy.

Điều trị bằng TBG trung mô là phương pháp an toàn, hiệu quả. Hiện nay trên thế giới, các nhà khoa học rất quan tâm đến nghiên cứu ứng dụng của TBG trong nhiều lĩnh vực của y học, trong đó có tác dụng kháng viêm. Công nghệ TBG mở ra một phương pháp mới, một hy vọng mới cho bệnh nhân tiểu đường. Tuy nhiên, do mức độ phức tạp và vấn đề nhân văn nên việc áp dụng rộng rãi còn nhiều hạn chế. Hy vọng trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ làm chủ được công nghệ và nhân rộng hơn nữa phương pháp điều trị bằng TBG để đem lại nhiều cơ hội cho bệnh nhân tiểu đường.

Đại tá-TS PHẠM XUÂN NINH