Năm 1995, tốt nghiệp lớp Sơ cấp Dược (Trường Hậu cần Bộ tư lệnh BĐBP), Ninh Công Khánh được cấp trên điều động về công tác tại Bệnh xá Bộ chỉ huy BĐBP TP Đà Nẵng.
Năm 2003, Bệnh xá giải thể, thành lập Tổ cấp cứu, phòng chống dịch bệnh. Có thể nói, từ đây là quãng thời gian Khánh có dịp đi đến nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người dân trên địa bàn TP Đà Nẵng. Điều trăn trở với anh là, bà con nơi đây rất vất vả, nhiều người dân nghèo mắc bệnh không có tiền chữa trị đã để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng tới cuộc sống gia đình và bản thân. Lương tâm của một người thầy thuốc đã thôi thúc anh phải làm được một điều gì đó để chăm lo sức khỏe cho bà con và cộng đồng. Và điều mong mỏi cũng đã đến. Tháng 9-2009, Phòng khám Quân dân y kết hợp của ĐBP Hải Vân ở Khu văn hóa biển Kim Liên (Phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) được thành lập. Y sĩ Khánh được giao phụ trách Phòng khám, có nhiệm vụ khám và điều trị miễn phí cho Nhân dân trên địa bàn. Bấy giờ, Phòng khám chỉ được trang bị một ống nghe, một bộ đo huyết áp, một máy châm cứu, một đèn chiếu tia hồng ngoại, một giường bệnh và một cơ số thuốc điều trị bệnh thông thường. Kinh phí mua thuốc, vật tư y tế tiêu hao gần như không có gì. Thời gian đầu, bệnh nhân đến khám, điều trị còn e dè, chưa thực sự tin tưởng. Nhưng với tinh thần, trách nhiệm và lương tâm người thầy thuốc, Khánh ân cần thăm hỏi, tư vấn cách điều trị. Phác đồ điều trị của anh là hạn chế tối đa sử dụng thuốc Tây nếu không thực sự cần thiết. Điều đó đồng nghĩa với việc tiết kiệm cho bệnh nhân, không phải mua thêm thuốc ngoài danh mục. Những trường hợp cần giảm đau, anh thường sử dụng phương pháp châm cứu, bấm huyệt để bệnh nhân không bị ảnh hưởng bởi tác dụng phụ. Không những vậy, anh còn hướng dẫn những bài tập vận động bổ trợ đem lại hiệu quả nên mọi người lại càng tin tưởng. Nhiều bệnh nhân nghèo bị thoái hóa cột sống, thoái hóa khớp, giãn tĩnh mạch và nặng hơn là liệt nửa người… đã được anh chữa trị khỏi. “Tiếng lành đồn xa”, bệnh nhân đến với Phòng khám ngày một đông, có ngày lên tới 50 người.
|
|
Y sĩ Khánh đang điều trị cho bệnh nhân. |
Cuối năm 2015, y sĩ Ninh Công Khánh được trên điều động về nhận công tác mới tại Bệnh xá Bộ chỉ huy BĐBP TP Đà Nẵng. Biết tin, bà con làng biển kéo về chật kín cả phòng khám để chia tay anh. Đáp lại tấm lòng yêu mến, tin tưởng của bà con, anh hứa sẽ tranh thủ sắp xếp thời gian để về khám chữa bệnh cho bà con. Đã nói là làm, hằng ngày, sau giờ làm việc ở Bệnh xá, anh lại chạy xe máy vượt hơn 20km về với bà con làng biển. Thấy anh vất vả, tận tụy với bà con, năm 2016, Nhân dân và chính quyền khu vực Kim Liên làm đơn đề nghị và được Bộ chỉ huy BĐBP thành phố chấp thuận điều động anh về lại Phòng khám quân dân y kết hợp Kim Liên nhưng vẫn phải đảm nhiệm một phần công việc ở Bệnh xá. Biết anh trở lại, bà con Kim Liên và các vùng lân cận đến với anh ngày càng đông. Cứ khoảng 18h hàng ngày, Phòng khám lại chật kín người. Khánh tất bật châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt cho từng người. Và ngày nào cũng vậy, phải đến gần 22 giờ, anh mới trở về nhà. “Có nhiều đêm về, mệt mỏi, không muốn ăn cơm. Biết là vất vả nhưng thấy bà con khỏe mạnh là tôi vui rồi. Tôi luôn tâm niệm, sống là phải biết chia sẻ, chừng nào còn sức thì còn phục vụ bà con”. Khánh bộc bạch.
Vậy nguồn kinh phí mua thuốc lấy từ đâu? Giải đáp băn khoăn của tôi, Khánh chia sẻ: “Trước đây có thể vận dụng số thuốc thường xuyên đơn vị không sử dụng hết, nhưng từ năm 2017, thuốc được quyết toán theo quy định của bảo hiểm y tế nên không thể lấy thuốc cấp miễn phí cho bà con. Tôi bàn với cấp ủy, chính quyền khu dân cư vận động các nhà hảo tâm và cả sự đóng góp, ủng hộ của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hải Vân để mua thuốc. Thậm chí, có lúc bí quá, tôi tự bỏ tiền túi để mua. Thấy vậy, nhiều lần bà con đề nghị xin được góp 15.000 đồng/2 ngày thuốc điều trị. Sau nhiều ngày suy nghĩ, tôi đề nghị: Những ai khó thì thôi, ai có thì góp nhưng không quá 15.000 đồng; các nhà hảo tâm ủng hộ thông qua Đồn Biên phòng hoặc địa phương, sau đó chuyển đến Phòng khám. Tính đến nay, mọi người đã ủng hộ được trên 80 triệu đồng tiền thuốc”.
Không chỉ khám chữa bệnh miễn phí cho người dân tại Phòng khám, anh còn tranh thủ đi khắp làng biển để khám chữa bệnh “lưu động” cho những bệnh nhân không có khả năng đến với Phòng khám. Do vậy, bà con còn nói vui rằng: “Ngày xưa có chiếu bóng lưu động, giờ có chữa bệnh lưu động...". 10 năm qua, y sĩ Khánh đã khám và chữa bệnh cho hàng nghìn lượt bệnh nhân trên địa bàn và các vùng lân cận bằng những phương pháp kết hợp Đông - Tây y hay phương pháp tác động cột sống, tùy theo từng bệnh nhân cho phù hợp. Rất nhiều trường hợp mắc bệnh xương khớp mãn tính, tai biến mạch máu não đã được anh chữa trị thành công như: Bà Huỳnh Thị Phẩm (70 tuổi), ông Nguyễn Văn Tá (70 tuổi) ở phường Hòa Hiệp Bắc. Đặc biệt, chị Lê Thị Thanh Hiền (ở tổ 2, phường Hòa Hiệp Bắc) bị tai nạn giao thông năm 2006 với chẩn đoán chấn thương sọ não, liệt tứ chi. Qua thời gian điều trị, đến nay, bệnh nhân đã chống nạng đi lại và làm được những việc sinh hoạt cá nhân. Hay bệnh nhân Nguyễn Văn Định bị liệt tứ chi do tai biến mạch máu não, qua điều trị, đến nay đã tự làm được những việc hằng ngày... Trò chuyện với anh Lê Công Hải (phường Hòa Hiệp Bắc) được biết: 2 năm qua, mẹ trở bệnh, anh phải dừng công việc ở Thành phố Hồ Chí Minh về quê chăm sóc bà. Mấy tháng nay, mẹ anh chuyển nặng, liệt nửa người, không nói chuyện được nên anh đưa mẹ tìm đến Phòng khám. Được anh Khánh châm cứu, bấm huyệt và mát-xa, mẹ tôi đã nói chuyện được và có thể dìu bước đi. Nếu không có anh ấy chắc bệnh tình mẹ tôi nặng hơn…”, “Biết bà con khó khăn, anh ấy châm cứu miễn phí hết. Người dân chúng tôi quý anh ấy lắm, mỗi đêm phải điều trị cho hàng chục người nhưng anh ấy luôn niềm nở, ân cần. Có nhiều hoàn cảnh khó khăn y sĩ Khánh còn cho cả tiền mua thuốc uống, thậm chí đi đến tận nhà châm cứu…”, anh Hải kể. Còn đối với trường hợp bà Nguyễn Thị Kim Loan, 5 năm trước, chân bà bước đi đau nhức dữ dội, bác sĩ chẩn đoán bị giãn tĩnh mạch và cho thuốc điều trị nhưng không thuyên giảm. “Tôi đã đi rất nhiều nơi, chữa trị mất rất nhiều tiền nhưng không khỏi, từ khi được bác Khánh châm cứu, tôi đi lại được, nếu không có bác ấy có lẽ tôi đã bị liệt rồi...”, bà Loan chia sẻ.
Nhờ sự “mát tay” cùng với sự tận tụy hết lòng với bệnh nhân, hàng nghìn bệnh nhân nghèo đã được y sĩ Ninh Công Khánh chữa khỏi bệnh và hơn cả là tình quân dân dưới chân đèo Hải Vân ngày càng khăng khít, gắn bó. Những người dân nơi đây gọi anh với cái tên dân dã, trìu mến “Bác sĩ của người nghèo”.
HỒNG TRANG