Chấn thương này ở người cao tuổi có thể do các bệnh lý về xương gây ra như: giòn xương, loãng xương, hoặc u xương và một số bệnh lý khác (tiểu đường, lạm dụng corticoid để điều trị bệnh)... Đối với người trẻ tuổi, gãy đầu dưới xương quay thường do tai nạn lao động, giao thông, sinh hoạt...
Phương pháp điều trị chủ yếu hiện nay là nắn chỉnh, bó bột bằng cách kéo dạng ngón I, kéo theo trục ngón II, III, IV vị trí tổn thương sao cho tổng hợp véc-tơ có lực kéo tác động dọc trục cẳng tay một cách từ từ, tăng dần, làm giãn cách ổ gãy, nắn chỉnh các di lệch theo trục, góc, sang bên. Sau khi nắn chỉnh xong, lực kéo phải được giữ ổn định để bó bột, tránh di lệch thứ phát sau nắn chỉnh.
    |
 |
Giá kéo nắn được triển khai thử nghiệm tại Khoa Chấn thương - Chỉnh hình/Bệnh viện Quân y 354. Ảnh: CTV |
Hiện nay, y văn trên thế giới mô tả cách kéo nắn gãy đầu dưới xương quay được thực hiện bằng 2 phương pháp là: Kéo nắn trực tiếp bằng cách nắm các ngón tay người bệnh hoặc kéo nắn bằng khung nắn chỉnh qua băng bột có dùng hồ bôi lên các ngón tay hoặc các rọ kim loại lồng vào các ngón tay. Trong nước, hiện tại chưa có cơ sở nào được trang bị khung kéo nắn. Kéo nắn gãy đầu dưới xương quay được thực hiện thủ công bằng cách: Tay người kéo nắn nắm trực tiếp vào các ngón tay người bệnh để kéo nắn. Nhược điểm của cách này là, người kéo nhanh mỏi tay, dễ bị tuột, lực kéo đôi khi không đủ lớn để nắn chỉnh hết di lệch, không ổn định và duy trì đủ lâu để bó bột và chờ bột khô. Kíp thực hiện kỹ thuật tối thiểu phải có 02 người.
Mới đây, đồng chí Trung úy, Bác sĩ Ngô Huy Hiếu, Khoa Chấn thương - Chỉnh hình/Bệnh viện Quân y 354, Tổng cục Hậu cần cùng cộng sự đã thiết kế Giá kéo nắn điều trị gãy kín đầu dưới xương quay, gãy thân 2 xương cẳng tay hoặc sai khớp khuỷu. Giá kéo gồm các bộ phận: cụm khung kéo; hệ thống ròng rọc, tạ kéo, móng ngựa; giá đỡ cố định cánh tay và rọ tre. Khung kéo được thiết kế chắc chắn, có thể điều chỉnh được chiều cao, có đủ khoảng trống để đưa cánh tay C của máy X-Quang tăng sáng truyền hình vào chụp, kiểm tra kết quả nắn chỉnh. Hệ thống ròng rọc và vòng móng ngựa để luồn dây kết nối rọ tre và khung kéo. Khi kéo nắn, sợi dây được luồn qua vòng tròn của rọ tre và qua các lỗ trên móng ngựa sẽ phân bố lực kéo đều trên các ngón tay để kéo chỉnh ổ gẫy. Mỗi quả tạ có trọng lượng 1 kg. Tùy theo thể trạng bệnh nhân, có thể thay đổi lực kéo bằng cách thêm bớt các quả tạ trên giá treo để đạt được mục đích kéo giãn ổ gãy, nắn chỉnh di lệch chồng, gập góc, sau đó nắn chỉnh các di lệch sang bên. Cánh tay bệnh nhân được đặt trên giá đỡ và cố định bằng đai da. Rọ được đan bằng sợi nan mây hoặc tre, dài 15 - 20cm, đầu có móc tròn. Đường kính rọ có thể điều chỉnh to ra để lồng các ngón tay vào hoặc tháo ra, nhỏ đi để ôm chặt ngón tay khi kéo giãn.
Sử dụng Giá kéo nắn có thể thay thế 01 nhân lực phụ kéo nắn. Khi thực hiện thủ thuật chỉ cần 01 người điều chỉnh khung kéo nắn và nắn chỉnh, bó bột. Lực kéo của khung ổn định và có thể thay đổi linh hoạt trong quá trình kéo nắn giúp nắn chỉnh các di lệch của ổ gẫy, tạo tư thế thuận lợi cho bó bột cố định ổ gẫy. Giá kéo nắn có thiết kế đơn giản, chắc chắn, dễ thao tác, thuận tiện, có thể triển khai được tại các cơ sở điều trị chấn thương, giá thành khoảng 30 triệu đồng/bộ.
Khoa Chấn thương - Chỉnh hình/Bệnh viện Quân y 354 đã triển khai thử nghiệm Giá kéo nắn, bước đầu cho kết quả tốt. Nếu kết hợp với máy X-Quang tăng sáng truyền hình tại chỗ sẽ đảm bảo thành công cao, tăng tỷ lệ điều trị bảo tồn, giảm phẫu thuật do nắn chỉnh không đạt yêu cầu.
TÚ ANH