Kỹ năng hồi sức tim phổi

Kỹ năng hồi sức tim phổi – CPR gồm 3 phần: Ấn ngực để ép tim (C), thông đường thở (A), hô hấp nhân tạo tiếp hơi thở (B). Khi ngừng tim, ngừng thở, không có ô-xy, não và các tổ chức cơ thể sẽ bị tổn thương và có thể chết trong 5-6 phút. CPR làm càng sớm càng tốt, ngay sau khi nạn nhân ngừng tim, ngừng thở với “3 không”: Không bắt được mạch bẹn, hoặc mạch cổ, không nghe được tiếng tim, không còn ý thức. Người làm CPR cần la to để nhiều người biết cùng tham gia cấp cứu và xin hỗ trợ y tế. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, CPR sẽ theo trình tự là “C-A-B”: việc đầu tiên là ấn ngực để ép tim nạn nhân 30 lần nhằm ngay lập tức đưa máu có ôxy đến não và các tổ chức, sau đó tiếp hơi thở cho nạn nhân bằng miệng 02 lần và cứ như vậy tiếp tục lặp lại cho đến khi đạt kết quả. (Xem hình 1)

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 

 

leftcenterrightdel
 

Kỹ năng làm giảm tình trạng chảy máu     

Máu chảy quá nhiều sẽ gây sốc mất máu, dẫn đến tử vong, cần thực hiện các kỹ năng cầm máu tạm thời, nhất là khi vết thương gây đứt, rách động mạch, tĩnh mạch lớn. Các biện pháp có thể áp dụng là: 

Ấn động mạch: dùng ngón tay ấn phía trên đường đi của động mạch (từ tim đến vết thương).

Đây là biện pháp đầu tiên trước khi áp dụng các biện pháp cầm máu khác và là biện pháp tốt nhất nếu làm đúng. Biện pháp này dễ gây mỏi tay và cần có hiểu biết về giải phẫu cơ thể người.

Gấp chi tối đa:  Đây là biện pháp tạm thời, đơn giản nhất có thể áp dụng ngay sau khi bị thương, dù đó là vết thương đứt động mạch.

Băng ép là hình thức băng những vòng băng xiết chặt tương đối để ép vào các bộ phận bị thương. Băng nút là hình thức băng ép có bông hoặc gạc ép chặt vào vết thương và các tổ chức sâu bên trong để cầm máu.

Buộc ga-rô: Dùng dây cao su, hoặc dây vải quấn ngay sát phía bên trên miệng vết thương 2-5cm, sau đó xoắn chặt vào đoạn chi để làm ngừng chảy máu. Chỉ nên đặt ga-rô khi máu chảy ồ ạt, chi thể chấn thương cụt tự nhiên, các biện pháp cầm máu khác không có tác dụng. Sau khi ga-rô, cứ 30 phút phải nới lỏng nút ga-rô để máu xuống nuôi dưỡng tổ chức bên dưới. Khi nới thấy phần cơ thể bên dưới ga-rô bớt tím sẫm và có máu chảy rỉ tại vết thương thì lại ga rô chặt trở lại.

Kỹ năng thoát hiểm khi hỏa hoạn

Trong hỏa hoạn, phần lớn người tử vong là do bị ngạt vì hít phải khói và khí độc. Vì vậy, cần bình tĩnh, tránh hoảng loạn; cố gắng định hình sớm nơi đang cháy để tìm đường thoát phù hợp. Cần hô to hoặc ấn ngay chuông báo cháy để mọi người biết có cháy xảy ra; phải hỗ trợ người già, trẻ em và phụ nữ. Ngắt cầu dao điện nếu có thể; gọi cứu hỏa 114 và tìm những cách chữa cháy tại chỗ. 

Để tránh bị ngạt khói, hãy cúi người và từ từ men tường đi ra ngoài vì khói có xu hướng bốc lên cao. Khi cần mở cửa để thoát ra ngoài, dùng mu bàn tay áp nhẹ lên cửa hoặc chốt cửa. Nếu cảm thấy nóng thì không mở cửa, hoặc chỉ mở hé để quan sát vì khả năng đang có cháy lớn bên ngoài thì phải tìm lối thoát khác, nếu không nóng, thì mở cửa, đi men tường thoát ra ngoài. Khi quần áo bị cháy thì nằm xuống sàn, lăn qua lăn lại để dập lửa, không được chạy vì sẽ làm cháy mạnh hơn.    

Cần bình tĩnh gọi điện thoại báo cứu hỏa hoặc người thân để báo địa điểm cháy (khu vực, số nhà…); chèn bịt các khe cửa, lỗ thông gió bằng chăn, quần áo... để ngăn khói. Làm ướt toàn thân; ướt tường, cửa và đồ đạc trong phòng. Che mũi miệng bằng khăn vải ướt để hạn chế hít khói độc. Ngồi ở nơi dễ nhìn thấy, kêu cứu để lực lượng cứu hỏa, cứu nạn dễ phát hiện, dễ nghe thấy. Mở cửa sổ hoặc đứng ở  ban công nơi hướng ngược chiều lan của lửa và khói, bấm đèn ra hiệu hoặc vẫy khăn màu sáng để cầu cứu.

 Nếu ở nhà cao tầng, sử dụng dây có sẵn hoặc dùng rèm cửa, chăn màn, quần áo buộc nối thành thang dây để tụt xuống thoát hiểm. Tuyệt đối không tụt, nhảy xuống nếu đang ở tầng cao. Việc đu, nhảy xuống nệm cứu hộ cần làm theo hướng dẫn của lực lượng cứu hoả và cứu nạn.

KNST khi mắc kẹt trong nhà, hầm bị sập hoặc trong một không gian kín

Khi bị mắc kẹt trong không gian kín, để tránh lãng phí không khí, cần hít sâu nhưng thở ra thật chậm; không bật lửa dù nhỏ nhất để tiết kiệm oxy; không hoảng loạn gào thét vì làm tăng nhịp tim, thở nhanh hơn và thải nhiều khí cacbonic, tiêu thụ nhiều oxy; dùng khăn vải che mũi, miệng tránh hít phải bụi. 

 Khi bị kẹt trong công trình bị sập, hầm tối, cần dừng tất cả các hoạt động mạnh; ngồi cúi đầu xuống giữa hai chân để giúp lưu thông máu đến não. Khi muốn cử động phải nâng đầu lên từ từ, hít thở sâu và chậm, cố gắng không thở gấp. Hạn chế nói chuyện, trao đổi chỉ lắc đầu hoặc gật đầu để giữ sức khỏe. Luôn cố gắng giữ tinh thần tỉnh táo (trừ khi ngủ), nên giữ đối thoại với chính mình. Luôn hy vọng được cứu sống, lạc quan, tự động viên hoặc động viên lẫn nhau để chống hoang mang. Phải giữ mối liên lạc ra bên ngoài bằng mọi cách.

Nếu có sẵn hoặc được tiếp tế thực phẩm thì duy trì ăn, uống ít một, nhiều lần để duy trì lượng đường máu. Để đối phó với nóng hoặc lạnh, cần xem công trình bị sập hoặc hầm tối là khô hay ẩm ướt để tìm nơi ẩn nấp phù hợp.

Kỹ năng thoát hiểm khi bị ngộ độc khí độc hại

Để tránh ngộ độc các khí độc, khi chui vào giếng sâu, hầm sâu, hầm chứa, thùng chứa kín lâu ngày, phải mở toang nắp, đeo mặt nạ dưỡng khí hoặc thả bó đuốc, ngọn nến, hay con gà xuống giếng, hầm… để kiểm tra; nếu lửa tắt, gà chết thì không xuống vì có nhiều khí độc. Nếu không có nhiệm vụ, nên dùng khăn bịt mũi và chạy khỏi nơi có rò rỉ khí độc, càng xa càng tốt.  Để phòng ngừa ngộ độc khí CO, không nổ máy  đối với xe máy, ô tô, máy phát điện, động cơ diezel, không sử dụng thiết bị đốt gas, lò than củi… ở nơi không gian kín như tầng hầm, gara, phòng đóng kín cửa. Các tòa nhà phải bảo đảm luôn thông gió, đảm bảo lượng ôxy lưu thông. Nếu có người bị ngộ độc khí, cần mở hết tất cả các cửa nếu là phòng kín, đưa nạn nhân ra khỏi khu vực nhiễm độc càng nhanh càng tốt. Nếu nạn nhân còn tỉnh, nên để nghỉ ngơi ở nơi thoáng khí, hà hơi, thổi ngạt nếu nạn nhân thở yếu hoặc có dấu hiệu ngừng thở. Nhanh chóng đưa nạn nhân đến bệnh viện để được kịp thời hồi sức, cứu chữa. Người cứu nạn phải đảm bảo an toàn cho bản thân mình, tránh bị nhiễm độc khí.

Kỹ năng thoát hiểm khi bị nạn trong nước xoáy, chảy xiết

Không đến gần nơi có dòng nước bị khuấy động, có hình chóp, mầu nước thay đổi khác thường để không bị nạn trong nước xoáy. Khi bị xoáy vào dòng chảy xa bờ biển, hãy bơi song song với bờ biển để thoát khỏi dòng chảy, hướng đến chỗ có sóng bạc đầu để nhờ sóng đưa trở lại bờ, hoặc tự bơi vào bờ. Nếu thấy đuối sức, hãy giơ cao tay lên ra hiệu, thả nổi người để giữ sức và chờ sự trợ giúp. Khi bị xoáy vào dòng nước xoáy chảy xiết ở các sông suối, hồ đập, để thoát hiểm cần bình tĩnh, nín thở và cuộn người lại, lặn sâu xuống đáy dòng nước, sau đó gắng sức bơi lặn ra ngoài vùng xoáy, nổi lên và bơi vào bờ.

Kỹ năng sinh  tồn khi tàu, thuyền bị chìm

Khi tàu có dấu hiệu bị chìm: Luôn tuân thủ theo hướng dẫn của thủy thủ đoàn, chỉ tự mình hành động khi không có ai đưa ra hướng dẫn cụ thể. Nếu đi cùng trẻ nhỏ, cần chuẩn bị trang phục, dụng cụ, bảo hộ cho bản thân rồi mới trang bị cho trẻ. Mặc áo phao và bình tĩnh rời khỏi con tàu, cố gắng mang theo vật dụng giúp sinh tồn: nước uống, đèn pin, lương khô...; không nên  mất thời gian để thu gom tài sản. Nếu có thể, mặc áo mưa, áo khoác để giữ ấm và cầm cự lâu hơn khi phải lênh đênh trên sóng nước.

Khi tàu bị chìm: Đứng đối ngược với bên tàu chìm, nhanh chóng tìm phao, thuyền cứu sinh hoặc bám vào bất cứ vật gì có thể nổi trên mặt nước. Nếu trên tàu có xuồng cứu hộ phải nhanh chóng thả xuồng cứu hộ cùng một ít vật dụng cần thiết, tránh xô đẩy, chen lấn khiến lật xuồng. Sau đó, bơi xuồng ra xa vị trí tàu thuyền bị đắm để tránh bị hút xuống dòng xoáy nước khi tầu, thuyền chìm. Nếu thấy máy bay hay tàu thuyền khác thì cầu cứu bằng pháo sáng, khói, hoặc âm thanh. Khi không còn cơ hội lên xuồng cứu hộ, hãy nhảy theo phương thẳng đứng, ngược hướng tàu chìm và xuôi theo chiều gió xuống nước cùng với phao, hoặc có bất cứ vật gì có thể làm nổi người lên được. Để giảm sự tiếp xúc với nước biển, giữ được nhiệt, nên cuộn tròn người lại; cố gắng bình tĩnh, không vùng vẫy. Nhanh chóng bơi ra xa vị trí tàu, thuyền. Có thể áp dụng phương pháp thả trôi, nằm ngửa và thả lỏng người để giữ sức, chờ được ứng cứu.

Luôn tự khích lệ hay cùng khích lệ nhau về tinh thần. Phân bố đồ ăn, uống hợp lý. Cố gắng tìm kiếm xung quanh các thứ có thể sử dụng được làm đồ ăn, nước uống. Trời mưa phải tìm cách hứng nước vì uống nước biển sẽ làm mất nước và khát hơn.¨

Đại tá - PGS.BS NGUYỄN MINH HIẾU, Cục Quân y - TCHC