Trong hoạt động huấn luyện và thực tiễn công tác bảo đảm hậu cần, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ, người lao động trong ngành Hậu cần đã có nhiều sáng kiến, cải tiến mô hình, trang thiết bị huấn luyện, ứng dụng hiệu quả vào thực tế công tác. Nhằm đánh giá đầy đủ kết quả nghiên cứu sáng kiến, cải tiến mô hình, trang thiết bị huấn luyện hậu cần của các cá nhân, đơn vị; động viên, khuyến khích, thúc đẩy phong trào nghiên cứu, sáng kiến cải tiến trong toàn quân, đồng thời, lựa chọn những sản phẩm tiêu biểu, thiết thực để phổ biến, nhân rộng, áp dụng trong công tác huấn luyện, bảo đảm hậu cần; trên cơ sở Chỉ lệnh số 133/CL-BQP ngày 14/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về công tác hậu cần năm 2018, Hướng dẫn số 35/HD-HC ngày 09/01/2018 của Tổng cục Hậu cần (TCHC) về công tác huấn luyện hậu cần; ngày 30/01/2018, Bộ Tham mưu đã ban hành Hướng dẫn số 198/TM-QH về việc tổ chức thi sáng kiến, cải tiến mô hình, trang thiết bị huấn luyện hậu cần năm 2018 đối với các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng.

leftcenterrightdel
Các đại biểu tham quan sáng kiến, cải tiến mô hình, trang thiết bị huấn luyện hậu cần của Lữ đoàn PK 210 (Quân khu 1). Ảnh: Đình Thảo

Đây là hội thi chuyên ngành Hậu cần được tổ chức từ cấp cơ sở đến đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng. Yêu cầu các sản phẩm tham gia Hội thi là những sản phẩm được thiết kế, chế tạo mới hoặc cải tiến một phần sản phẩm đã có; sản phẩm chế thử thực nghiệm, hiện đang được áp dụng hoặc chưa được sử dụng, nhưng có khả năng ứng dụng vào thực tiễn công tác đào tạo, huấn luyện hậu cần, xây dựng chính quy và hoạt động bảo đảm hậu cần của các đơn vị. Để tạo sự thống nhất trong đánh giá, lựa chọn, sản phẩm tham gia Hội thi được chia thành 3 nhóm: Nhóm sáng kiến; nhóm cải tiến; nhóm chế thử thực nghiệm. Các sản phẩm tham gia thi phải đáp ứng yêu cầu: Không có tranh chấp về bản quyền sáng kiến, cải tiến của cá nhân, tập thể hoặc liên danh, liên kết; sản phẩm chưa tham gia thi toàn quân và được giải từ năm 2017 trở về trước; hiện vật đã được hoàn chỉnh ở trạng thái hoạt động đầy đủ; có đủ hồ sơ thiết kế, thuyết minh tính năng kỹ thuật và kèm theo dự toán giá thành sản phẩm tại thời điểm chấm thi; nếu đã được nghiệm thu, sản xuất phải có các văn bản pháp lý của cấp có thẩm quyền (cấp Bộ hoặc trực thuộc Bộ). Mỗi sản phẩm tham gia thi phải gửi kèm bộ hồ sơ đăng ký gồm: Phiếu đăng ký sản phẩm dự thi; bản thiết kế kèm theo thể hiện ý tưởng, tính mới, sáng tạo, mục đích sử dụng, chất liệu, kích thước, màu sắc... của sản phẩm để người xem hiểu được ý tưởng của tác giả. Ngoài ra, sản phẩm phải kèm theo ảnh chụp ở 3 góc độ khác nhau, có thuyết minh sản phẩm trên khổ giấy A4 và tóm tắt thuyết minh sản phẩm (khổ A4 ép plastic) để tiện trong quá trình theo dõi sản phẩm tại khu trưng bày, giới thiệu.

Ngay sau khi có hướng dẫn của Bộ Tham mưu/TCHC, các đơn vị đã triển khai sớm, đồng bộ ngay từ đầu năm, ban hành chỉ thị, thành lập ban chỉ đạo, ban tổ chức, xây dựng kế hoạch, ban hành các văn bản hướng dẫn, quy chế, đôn đốc các đầu mối cơ sở tích cực tham gia đạt kết quả cao. Ban tổ chức các đầu mối đơn vị đã thường xuyên đôn đốc, kiểm tra quá trình chuẩn bị của các đơn vị có sản phẩm dự thi; chỉ đạo các đơn vị tổ chức thi nội bộ cấp cơ sở để lựa chọn các sản phẩm tiêu biểu tham gia thi chính thức. Các cơ quan, đơn vị tham gia đã làm tốt công tác chuẩn bị, tổ chức thi cấp cơ sở, đảm bảo nghiêm túc, đúng thời gian, lựa chọn các sản phẩm tiêu biểu, cơ bản đáp ứng được tiêu chí đề ra.

Đến nay, toàn quân đã có 29 đầu mối tổ chức thi. Qua theo dõi quá trình triển khai, chuẩn bị, tổ chức thi của các đơn vị trong toàn quân, có thể thấy, mặc dù có khó khăn nhất định, song các đơn vị đã nhiệt tình hưởng ứng, tổ chức thi nghiêm túc, chặt chẽ, khoa học, sản phẩm dự thi phong phú, thiết thực, hiệu quả. Sau khi thi, các đơn vị đều có đánh giá, nhận xét, tổng hợp, gửi báo cáo kết quả về TCHC theo quy định. Một số đơn vị như: Quân khu 3, Quân khu 2, Quân khu 5, Quân khu 1, Quân đoàn 2... có tỉ lệ đầu mối đơn vị tham gia thi rất cao, với nhiều sản phẩm dự thi (Quân khu 1 có 441 sản phẩm, Quân khu 3 có 181 sản phẩm; Quân khu 2 có 91 sản phẩm; Quân đoàn 2 có 71 sản phẩm; Quân khu 5 có 59 sản phẩm; Quân đoàn 3 có 55 sản phẩm...). Trong đó, có nhiều sản phẩm có tính sáng tạo đột phá, góp phần tăng năng suất, hiệu quả trong công tác bảo đảm và huấn luyện hậu cần. Các đơn vị như Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cục Tác chiến Điện tử, Binh chủng Hóa học... mặc dù đầu mối đơn vị ít, tính chất hoạt động có nhiều đặc thù, song vẫn tổ chức thi và sản phẩm tham gia đạt chất lượng tốt; trong đó, Binh chủng Hóa học có 11 đầu mối đơn vị tham gia với 50 sản phẩm.

Các sản phẩm dự thi phân bố đầy đủ ở các ngành trong công tác hậu cần, trong đó, tập trung nhiều hơn ở lĩnh vực quân nhu, quân y, xăng dầu, vận tải. Trong số các sản phẩm dự thi, tập trung nhiều ở nhóm sáng kiến, cải tiến; sản phẩm chế thử thực nghiệm còn ít. Các sáng kiến, cải tiến đều xuất phát từ thực tiễn hoạt động, công tác huấn luyện và bảo đảm hậu cần ở đơn vị nên mang tính hiệu quả, thực tế cao. Nhiều sáng kiến, cải tiến đem lại giá trị kinh tế cao khi ứng dụng, triển khai nhân rộng. Tiêu biểu như các sản phẩm: Giá phơi dụng cụ cấp dưỡng đa năng; Hệ thống tưới rau tự động (Quân khu 1); Camera nội soi dây mềm đặt nội khí quản; Bếp cơ động không khói (Quân khu 2); Cải tiến xi-téc và đường ống cấp phát lẻ có đồng hồ lưu lượng điện tử vòi tra đa năng của xe tra nạp cho tàu chiến và phương tiện mặt đất (Quân khu 3); Ghế phục hồi chức năng tứ chi; Giá xe đạp thồ 3 trong 1; Hệ thống thang phòng chống lụt bão (Quân khu 5); Bếp đa năng; Máy thái củ, quả đa năng; Mô hình huấn luyện mắc tăng võng 1 dây (Quân đoàn 2); Bộ rửa khay, chén, bát thông minh; Bộ cấp phát lẻ xăng, dầu trong điều kiện dã chiến (Quân đoàn 3); máy vặt lông gà, đánh vảy cá (Tổng cục 2)...

Bên cạnh những kết quả tích cực, công tác tổ chức thi ở các đơn vị thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, đó là: Hầu hết các học viện, trường, bệnh viện chưa tổ chức được  hội thi ở cấp mình; tổ chức thi ở cấp cơ sở một số đơn vị chưa chặt chẽ, hồ sơ đăng ký dự thi thiếu nội dung; thuyết minh sáng kiến còn mô tả chung chung, chưa cụ thể. Có hồ sơ dự thi mới chỉ ở mức độ báo cáo ý tưởng hoặc chưa được triển khai hoàn thiện trên thực tế. Một số đơn vị chưa thực sự quan tâm, đầu tư đúng mức về thời gian, công sức, kinh phí, vật chất... nên số đầu mối và sản phẩm tham gia thi chưa đa dạng, phong phú, chất lượng hạn chế. Chưa cân đối sản phẩm giữa các ngành, chủ yếu là quân nhu, quân y, xăng dầu, vận tải, lĩnh vực khác còn ít. Các sáng kiến mới chưa nhiều, tập trung vào xây dựng mô hình và cải tiến sản phẩm; chưa có tính mới, khoa học, phạm vi ứng dụng và hiệu quả mang lại chưa cao. Cá biệt, có sản phẩm dự thi trùng lặp ý tưởng của các sáng kiến đã có trước đó và đang được ứng dụng rộng rãi...

Từ kết quả và kinh nghiệm rút ra qua hội thi của các đơn vị, để phong trào sáng kiến, cải tiến mô hình, trang thiết bị huấn luyện bảo đảm hậu cần trong toàn Ngành trở thành hoạt động thường xuyên, ngày càng rộng khắp, thiết thực, hiệu quả, đề nghị hậu cần các đơn vị toàn quân tiếp tục thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, sau thành công từ Hội thi lần này, các đơn vị cần tiếp tục phát động, tổ chức nghiên cứu sáng kiến, cải tiến mô hình, trang thiết bị huấn luyện hậu cần, coi đây là hoạt động thường xuyên, trở thành phong trào thi đua sôi nổi, động viên mọi cán bộ, nhân viên , chiến sĩ ngành Hậu cần và các lực lượng khác tích cực tham gia. Trong đó cần định hướng cụ thể về lĩnh vực, hoạt động cần tập trung nghiên cứu, sáng kiến, cải tiến để nâng cao tính hiệu quả, thiết thực của các đề tài, mô hình, sản phẩm, tránh trùng lặp giữa các mô hình, sáng kiến. Khuyến khích các cá nhân, tập thể đầu tư, nghiên cứu sáng kiến vào các lĩnh vực, hoạt động thường xuyên, phổ biến, tiết kiệm thời gian, công sức, kinh phí, vật chất...của các đơn vị. Chú trọng nghiên cứu, cải tiến các sản phẩm gọn, nhẹ, tính lưỡng dụng cao; chất liệu bền, đẹp và ứng dụng công nghệ mô phỏng, thành tựu của cách mạng công nghệ 4.0 trong công tác, hoạt động huấn luyện, bảo đảm hậu cần.

Hai là, các đơn vị chỉ đạo tập thể, cá nhân có sản phẩm, mô hình tham gia tiếp tục khắc phục những điểm còn hạn chế, chưa ưu việt để hoàn thiện, bảo đảm sản phẩm tối ưu nhất; các tác giả, nhóm tác giả có sản phẩm tham gia thi và đạt giải tại Hội thi cần tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, đề nghị cấp có thẩm quyền chứng nhận, làm các thủ tục để đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ, tránh việc bị sao chép, ăn cắp ý tưởng, bản quyền sản phẩm, mô hình. Các sản phẩm đã hoàn chỉnh, đánh giá đạt tiêu chuẩn, có giá trị ứng dụng cần sớm được triển khai, áp dụng vào hoạt động thực tiễn, nhất là trong công tác huấn luyện và bảo đảm hậu cần của các đơn vị.

Ba là, đối với các sản phẩm tiêu biểu, có giá trị ứng dụng cao, tổng hợp báo cáo TCHC và các cơ quan chuyên ngành để thẩm định, nghiên cứu, hoàn chỉnh, sản xuất, áp dụng rộng rãi trong toàn quân.

Bốn là, từ kết quả Hội thi của các đơn vị, tổ chức các hoạt động trưng bày, giới thiệu kết quả đến đông đảo các cán bộ, nhân viên, chiến sĩ để quảng bá, tuyên truyền rộng rãi sản phẩm. Đồng thời, bố trí khu vực tham quan tại các đơn vị để tập hợp các sản phẩm, mô hình có giá trị, giúp các cán bộ, nhân viên, chiến sĩ có thể tìm hiểu, học tập, áp dụng vào trong hoạt động thực tiễn của mình. Qua đó, động viên họ sáng tạo, tìm tòi, nghiên cứu, từ đó, hình thành phong trào thi đua sáng kiến, cải tiến mạnh mẽ trong toàn Ngành, đơn vị.

Mặc dù tổ chức thi riêng chuyên ngành Hậu cần, song, có thể khẳng định, Hội thi sáng kiến, cải tiến mô hình, trang thiết bị huấn luyện hậu cần năm 2018 của các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng đã thành công tốt đẹp, thu được nhiều kết quả tích cực, đáng khích lệ. Từ Hội thi này, Bộ Tham mưu/TCHC sẽ phối hợp với các cục chuyên ngành của TCHC, học viện, viện nghiên cứu để thẩm định, đánh giá, lựa chọn những sản phẩm có giá trị thực tiễn trong công tác huấn luyện và bảo đảm hậu cần, báo cáo thủ trưởng TCHC để chỉ đạo sản xuất, nhân rộng trong toàn quân, góp phần xây dựng ngành Hậu cần Quân đội ngày càng chính quy, từng bước hiện đại, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đại tá VŨ QUANG MIÊN

Phó Tham mưu trưởng TCHC