Với điện áp từ 6 KV trở lên thì mặc dù người chưa chạm vào nguồn điện đã có thể bị thương. Trường hợp này ít bị tử vong do điện mà chủ yếu bị thương hoặc chết do các nguyên nhân khác như: ngã từ trên cao, bỏng nặng…Còn tai nạn bị điện giật xảy ra khi dòng điện chạy qua cơ thể người làm kích thích các quá trình sinh-hóa, hủy hoại các bộ phận của cơ thể, kèm theo sự co giật của các bắp thịt. Điện giật xảy ra khi tiếp xúc với điện áp nhỏ hơn 1.000V. Đây là tai nạn làm chết người nhiều nhất, chủ yếu do dòng điện chạy qua cơ thể làm tê liệt thần kinh, hệ hô hấp hoặc hệ thống tuần hoàn, hoặc có thể đồng thời cả các hệ trên.

Qua nghiên cứu cho thấy, có 6 yếu tố trực tiếp liên quan đến tai nạn điện là: Điện trở của người; loại và trị số của dòng điện; thời gian dòng điện chạy qua người; tần số dòng điện; đường đi của dòng điện qua cơ thể người; tình trạng sức khỏe của người bị điện giật. Người da sạch sẽ, khô ráo, không bị xây xát, chấn thương do điện giật sẽ ít hơn so với người có da bẩn, ẩm, tiết nhiều mồ hôi. Nếu dòng điện chạy qua người càng lớn càng nguy hiểm. Dòng điện bắt đầu gây nguy hiểm cho người từ 10mA trở lên với dòng xoay chiều và từ 50-80mA đối với dòng 1 chiều. Dòng điện có thể gây chết người là 100mA. Hiện nay, chúng ta thường sử dụng dòng điện xoay chiều điện áp đến 220V hoặc 380V nên có thể gây chết người. Về thời gian dòng điện qua người, nghiên cứu cho thấy, thời gian càng lớn thì tác hại đến con người càng nghiêm trọng. Thực tế cho thấy, ngay đối với dòng điện nhỏ, nếu thời gian qua người lâu, từ 4-6 phút cũng có thể gây dừng hô hấp, rối loạn tuần hoàn, làm nạn nhân chết vì khó thở.

Tần số dòng điện nguy hiểm nhất là 50Hz, là tần số ta hay sử dụng hiện nay. Ngoài ra, tần số ở mức 200-500Hz vẫn gây nguy hiểm. Chỉ tần số từ 1.000Hz trở lên mới ít gây nguy hiểm và tần số 5.000Hz trở xuống mới không gây điện giật ở người. Đối với đường đi của dòng điện qua cơ thể, nếu dòng điện đi qua các cơ quan chủ yếu như tim, phổi, não thì nguy hiểm rất lớn. Nếu đi theo đường khác thì tác hại của nó lên các cơ quan chủ yếu chỉ là gián tiếp, mức độ nguy hiểm có thể ít hơn. Thống kê cho thấy, trường hợp nguy hiểm nhất là dòng điện truyền từ đầu đến tay. Trường hợp dòng điện truyền theo tay phải qua chân cũng nguy hiểm và hay gặp nhất do người sử dụng điện thường tiếp xúc với điện bằng tay phải. Khi bị điện giật, tùy tình trạng sức khỏe của nạn nhân mà mức độ nguy hiểm cũng khác nhau. Người có sức khỏe tốt sẽ chịu đựng tốt hơn người yếu. Với những người bị bệnh về da, hệ thống tim mạch, các cơ quan nội tạng và hệ thống thần kinh yếu, người hay say rượu, say thuốc.. khi tiếp xúc với điện sẽ nguy hiểm hơn nhiều so với người bình thường vì điện trở trong người lúc này bị giảm so với mức trung bình.

Các trường hợp tiếp xúc với điện gồm:

Trường hợp người tiếp xúc với 2 pha của lưới điện 3 pha (thường xảy ra khi làm việc trên đường dây có điện áp, tay người tiếp xúc với 1 pha, còn tay kia hoặc bộ phận nào đó trên cơ thể tiếp xúc với 1 pha khác). Đây là trường hợp nguy hiểm nhất vì khi đó dòng điện khép kín mạch trực tiếp qua người giữa 2 pha.

Trường hợp tiếp xúc với 1 pha của lưới điện 3 pha. Khi người chạm vào 1 pha thì dòng điện sẽ qua người và qua đất rồi khép kín mạch về phía 2 pha kia qua cách điện không hoàn hảo của lưới. Vì vậy, trong vận hành các thiết bị điện hạ áp (với điện áp nhỏ hơn 500V), yêu cầu cách điện tối thiểu của các pha không được nhỏ hơn 500 KΩ.

Để đề phòng bị điện giật, yêu cầu hàng đầu là cách điện của thiết bị phải tốt, vừa bảo đảm an toàn cho vận hành thiết bị, đồng thời bảo đảm an toàn chắc chắn cho người khỏi chạm vào các vật dẫn điện. Nhất là đối với hệ thống máy móc cũ, bộ phận cách điện sử dụng đã lâu, thường bị hiện tượng “mát điện”. Theo thống kê tai nạn điện, tỉ lệ tai nạn gây chết người do cách điện bị hư hỏng chiếm tới 20% số vụ. Vì vậy, phải chấp hành nghiêm các chế độ sử dụng, kiểm tra thử nghiệm cách điện thiết bị. Nếu sử dụng quá điện áp của thiết bị thì cách điện của thiết bị sẽ bị hư hỏng. Theo quy tắc an toàn thiết bị điện quy định, mỗi năm phải kiểm tra, thử nghiệm cách điện từ 1-2 lần hoặc nhiều hơn tùy thuộc điều kiện của đơn vị. Có thể kiểm tra thử nghiệm cách điện bằng nhiều cách, thông thường dùng đồng hồ đo cách điện, tính theo đơn vị Mê-ga Ôm. Đối với thiết bị điện dưới 500V thì tiêu chuẩn điện trở cách điện không nhỏ hơn 0,5MΏ. Cần thử trong thời gian kéo dài để phát hiện chỗ cách điện yếu, bị chọc thủng để có biện pháp khắc phục.

Ngoài biện pháp trên, cần tổ chức hệ thống rào chắn, biển báo hoặc treo cao thiết bị để bảo đảm cho người không thể chạm vào các phần dẫn điện. Rào chắn là các thiết bị bao che của cầu chì, công tắc, cầu dao, các thiết bị đóng ngắt và các đầu nối dây… hoặc các đinh chia ba ở cột điện. Có nhiều loại rào chắn gồm: Rào cố định, rào tạm thời, loại tấm liền, loại lưới… Độ cao của hàng rào ở các trạm phân phối điện theo quy định không thấp hơn 2m đối với ngoài trời và trên 1,7m khi treo trong nhà. Đối với công trình di động có thể sử dụng hình thức căng dây cảnh giới có kèm thêm biển báo. Tùy theo loại thiết bị, cáp điện và môi trường làm việc mà quy định khoảng cách từ rào chắn đến phần dẫn điện.

Đối với thiết bị phân phối điện, ở những nơi điều kiện an toàn không đầy đủ và thường xuyên có người qua lại thì khoảng cách an toàn phải tăng thêm, các rào chắn phải chắc hơn và có những biển báo cần thiết. Những thiết bị không thể che chắn được thì phải treo cao tới khoảng cách người hoặc xe cộ không thể chạm vào được. Các đường dây trần có điện áp đến 1.000V thì độ cao tối thiếu như sau: Thanh dẫn điện của cầu trục là 3,5m; dây điện ở công trường nơi không có xe cộ qua lại là 3,5m; dây điện ở nơi có xe cộ qua lại là 6m. Ở những khu vực nguy hiểm về điện cần dùng báo hiệu bằng đèn, còi hoặc các biển báo. Chi tiết biển báo an toàn được quy định tại Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 2572-78 “Biển báo an toàn về điện”.

Đối với người trực tiếp quản lý, sử dụng, sửa chữa điện, cần thực hiện mang mặc các trang thiết bị bảo hộ cá nhân khi tiếp xúc với điện. Các dụng  cụ, thiết bị bảo hộ được chia làm 2 loại: Loại kỹ thuật điện và loại không phải kỹ thuật điện. Loại kỹ thuật điện là những vật dụng như: Sào, bút thử điện, sào cách điện để đóng mở cầu dao; sào cách điện để tháo, lắp cầu chì; kìm đo điện; dụng cụ sửa chữa cầm tay cách điện (tuốc nơ vít, cờ lê…); găng tay cao su cách điện; ủng cách điện; thảm cách điện; ghế cách điện… Đây là thiết bị có cách điện chắc chắn đảm bảo cho người được cách ly với các phần dẫn điện của thiết bị và mặt đất trong quá trình làm việc. Ngoài các phương tiện kể trên còn có tiếp đất tạm thời, sử dụng để đề phòng trường hợp điện áp xuất hiện bất ngờ trên các phần thiết bị đã được cắt điện khi sửa chữa.

Loại dụng cụ, thiết bị bảo hộ không phải kỹ thuật điện gồm những dụng cụ, thiết bị bảo vệ người khỏi bị tác dụng của hồ quang, cháy, hơi khí độc…như: Kính bảo vệ mặt, bao đeo tay bằng vải bạt; mặt nạ phòng độc; dây lưng an toàn…Các dụng cụ, thiết bị này phải để nơi khô ráo, sạch sẽ, không được để chung với các chất xăng dầu và cọ sát các bề mặt. Định kỳ phải kiểm tra độ bền cơ học và cách điện (các loại sào, găng, ủng…6 tháng phải kiểm tra1 lần; đối với thảm, bệ cách điện 2 năm kiểm tra 1 lần). Trước khi sử dụng, phải xem xét quy cách và chất lượng của dụng cụ, thiết bị. Cấm sử dụng các loại dụng cụ, thiết bị này để tiếp xúc với điện nếu phát hiện hư hỏng hoặc khi trời mưa.

Xử trí khi bị điện giật:

Khi phát hiện người bị điện giật, trước tiên, phải nhanh chóng tách nạn nhân ra khỏi nguồn điện. Nếu nạn nhân chạm vào điện hạ áp thì phải nhanh chóng cắt nguồn điện (cầu dao, áp-tô-mát, mở nắp dây cháy…). Nếu không thể cắt nhanh nguồn điện, phải dùng rìu cán gỗ chặt đứt dây điện; dùng sào, vật cách điện như thanh tre, gỗ cây khô gạt dây điện ra khỏi nạn nhân; túm áo (nếu áo khô) kéo nạn nhân ra khỏi nguồn điện. Nếu nạn nhân đang trong trạng thái nắm chặt vào dây điện thì phải đứng lên khối gỗ khô rồi bế thốc nạn nhân lên hoặc dùng ủng, găng tay cách điện để gỡ tay nạn nhân ra khỏi nguồn điện.

Đối với nạn nhân chạm vào dây điện ở ngoài trời, nơi không thể nhanh chóng cứu được thì phải ném dây tiếp đất vào dây điện. Chú ý rằng sau khi đóng 1 đầu dây xuống đất rồi mới ném dầu dây kia lên dây điện. Nếu nạn nhân đang ở trên cao, phải có biện pháp hứng, đỡ sau đó mới cắt điện, tránh trường hợp để rơi tự do. Nếu nạn nhân chạm vào điện cao áp (khi không cắt được nguồn điện) thì phải dùng ủng, găng tay cách điện có điện áp tương ứng để gạt dây điện ra khỏi nạn nhân. Nếu không có các phương tiện an toàn nói trên thì phải dùng dây tiếp đất ngắt mạch đường dây như ở phần trên.

Ngay sau khi đưa nạn nhân tách ra khỏi mạch điện, phải căn cứ vào tình trạng cụ thể của nạn nhân mà dùng phương pháp cứu chữa cho phù hợp. Đối với nạn nhân mất chi giác, chỉ mệt, hơi thở còn yếu thì trước tiên phải đưa nạn nhân ra chỗ thoáng mát, yên tĩnh. Đặt nạn nhân nằm ngửa, kê đầu lên, nới rộng quần áo cho nạn nhân dễ thở, sau đó cử người chăm sóc. Nếu nạn nhân bị hôn mê nhưng còn thở, trong trường hợp trời lạnh, phải đưa nạn nhân vào phòng ấm. Đặt nạn nhân ở nơi bằng phẳng, nới rộng quần áo; dùng ngón tay trỏ quấn vải gạc hoặc khăn mặt, tà áo, moi hết vật lạ trong miệng nạn nhân (răng giả, đờm, máu…) nếu có. Sau đó xoa bóp làm cho toàn thân nạn nhân nóng lên rồi báo nhân viên y tế đến xử lý tiếp.

Trường hợp nạn nhân không còn thở hoặc thở yếu phải nhanh chóng làm hô hấp nhân tạo. Cần chú ý rằng sự chết do điện giật chỉ là tạm thời, nếu cấp cứu đúng phương pháp, kịp thời, khả năng sống lại sẽ rất cao. Vì vậy, phải làm hô hấp nhân tạo liên tục, kiên trì. Thực tế cho thấy, có trường hợp người bị điện giật đã ngừng thở nhưng làm hô hấp liên tục 3-4 tiếng vẫn sống lại. Khi hô hấp nên dùng phương pháp hà hơi thổi ngạt, giúp người cấp cứu thổi trực tiếp không khí từ phổi của mình vào phổi nạn nhân. Để tránh truyền bệnh truyền nhiễm (nếu có), người cấp cứu có thể dùng vải màn, khẩu trang hoặc khăn tay…đặt lên miệng nạn nhân sau đó hà hơi, thổi ngạt. Hô hấp liên tục cho đến khi nạn nhân xuất hiện sự sống trở lại. Sau khi thấy sắc mặt trở lại hồng hào, đồng tử giãn, tim phổi bắt đầu hoạt động thì phải tiếp tục cấp cứu khoảng 5-10 phút nhằm tiếp thêm sức cho nạn nhân. Lúc này, cần xoa bóp nhịp nhàng với nhịp đập của tim. Trường hợp cấp cứu lâu mà tim không hồi phục có thể dùng một số loại thuốc Adrenaline…để cấp cứu nạn nhân.

Đại tá PHẠM HUY HOÀNG