Thực hiện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, từ tháng 10/2011, Học viện Kỹ thuật Quân sự đã tiến hành thực hiện thí điểm xã hội hoá (XHH) công tác nuôi dưỡng bộ đội tại 2 bếp ăn tiểu đoàn học viên (Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 2). Tiếp đó, tháng 12/2012, Học viện tiếp tục triển khai XHH tại bếp ăn Tiểu đoàn 3, Tiểu đoàn 4 và Hệ 4. Thực tế qua gần 2 năm thực hiện, mô hình này đang phát huy hiệu quả, nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày bộ đội…

Sau khi nhận được Chỉ thị số 99/CT-BQP ngày 04/8/2011 của Bộ Quốc phòng và hướng dẫn của cơ quan nghiệp vụ cấp trên, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện đã tổ chức quán triệt mục đích, ý nghĩa của việc thí điểm XHH công tác nuôi dưỡng bộ đội đến cán bộ, học viên, chiến sỹ, công nhân viên; đồng thời xây dựng lộ trình XHH các bếp ăn theo phương châm: Nghiêm túc, chặt chẽ, làm đến đâu chắc đến đó.

Để triển khai XHH đúng kế hoạch, bảo đảm yêu cầu đề ra, Học viện thành lập Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc, Hội đồng đấu thầu. Đồng thời, xây dựng tiêu chí lựa chọn nhà thầu; tiến hành phát hành hồ sơ mời thầu và tổ chức đấu thầu theo qui định hiện hành. Trong số 6 hồ sơ dự thầu, Công ty TNHH PNK đã trúng thầu với chi phí phục vụ 6.798 đồng/người/ngày, thấp hơn giá trần 202 đồng. Đây là nhà thầu có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động bảo đảm ăn uống tập trung, hiện đã trúng thầu bảo đảm ăn uống tại nhiều nhà ăn quân đội trong khu vực Hà Nội và các địa bàn lân cận.

Cán bộ Phòng Hậu cần kiểm tra chất lượng bếp ăn XHH

Theo hợp đồng, nhà thầu có trách nhiệm tổ chức khai thác, tạo nguồn lương thực, thực phẩm (LTTP), chất đốt có nguồn gốc rõ ràng, hợp pháp; tổ chức bảo đảm ăn uống cho bộ đội theo đúng tiêu chuẩn, định lượng và định mức tiền ăn. Giá LTTP, chất đốt do Hội đồng giá Học viện quyết định, trên cơ sở khảo sát giá hàng tuần và mỗi khi giá thị trường đột biến. Ngoài việc tổ chức bảo đảm ăn thường xuyên, nhà thầu còn phải tổ chức bảo đảm ăn các ngày lễ, tết theo tiêu chuẩn; nộp tiền khấu hao trang thiết bị, dụng cụ cấp dưỡng; thanh toán tiền điện, nước sử dụng hàng tháng; mua sắm trang phục lao động và bảo đảm các quyền lợi khác của người lao động và phối hợp cùng Nhà trường giải quyết các phát sinh trong quá trình tổ chức bảo đảm ăn uống, không để ảnh hưởng tới việc học tập, công tác của bộ đội. Nhà thầu cũng đồng ý sẽ triệt để sử dụng sản phẩm TGSX của đơn vị nếu bảo đảm chất lượng tốt; các bếp XHH được phép sử dụng toàn bộ sản phẩm thải loại phục vụ tăng gia, chăn nuôi.

Thực hiện hợp đồng đã ký, Học viện tiến hành bàn giao đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ cấp dưỡng nhà ăn XHH cho nhà thầu theo tiêu chuẩn biên chế của nhà ăn quân đội. Ngoài ra, Học viện còn tổ chức mua sắm thêm một số trang thiết bị nhà ăn, nhà bếp cần thiết khác; chỉnh trang, củng cố lại khu sơ chế, khu nấu, nhà chia thức ăn, nhà kho, bảo đảm ngăn nắp, đồng bộ… Hệ thống điện, nước trong các nhà ăn cũng được sửa chữa, thay mới, lắp đồng hồ điện, nước, bảo đảm hoạt động tốt trước khi bàn giao cho nhà thầu.

Học viện còn tổ chức hướng dẫn nhà thầu nắm chắc nội dung, yêu cầu công tác đảm bảo ăn uống trong nhà ăn quân đội, như: nội quy, quy định nhà ăn, nhà bếp; 10 điều quy định về vệ sinh an toàn LTTP; tiêu chuẩn xây dựng bếp nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt… Đồng thời, xây dựng và ban hành qui chế hoạt động nhà ăn XHH, qui định cụ thể nguyên tắc hoạt động, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đối tượng trong nhà ăn XHH. Hằng tháng, Học viện cho phép nhà thầu được ứng tiền ăn 2 lần (vào đầu tháng và giữa tháng); tiến hành thanh, quyết toán với cơ quan tài chính từ ngày 02-06 tháng sau. Hằng ngày, Tổ quản lý nhà ăn XHH các bếp tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ số lượng, chất lượng LTTP, gia vị, chất đốt cũng như quá trình chế biến, nấu ăn, bảo đảm ăn uống của nhà thầu. 16 giờ hằng ngày, đại diện Tổ quản lý và nhà thầu giao ban, rút kinh nghiệm trong ngày và triển khai những công việc ngày hôm sau. Các đơn vị có bếp ăn XHH cũng thường xuyên giáo dục bộ đội tích cực tham gia đóng góp ý kiến về chất lượng bữa ăn, tinh thần, thái độ phục vụ của nhà thầu. Những vấn đề vướng mắc phát sinh được Ban chỉ đạo XHH của Học viện kịp thời kiểm tra, giải quyết ngay, không để ảnh hưởng đến hoạt động phục vụ, bảo đảm…

Kết quả sau gần 2 năm thực hiện thí điểm XHH nuôi dưỡng bộ đội tại các bếp ăn của Học viện cho thấy, chất lượng bữa ăn bộ đội được nâng lên rõ rệt. Qua phát phiếu thăm dò 1.730 người ăn, trên 90% số người ăn đánh giá chất lượng bữa ăn tốt hơn trước; thực đơn phong phú, đa dạng, thường xuyên được cải tiến và đổi món. Vệ sinh nhà ăn, nhà bếp, vệ sinh thực phẩm trong quá trình chế biến sạch sẽ; tinh thần, thái độ của đội ngũ nhân viên phục vụ nhiệt tình, chu đáo.... Nhà thầu đã thực hiện đúng các điều khoản hợp đồng; tiêu chuẩn, định lượng ăn bộ đội và chế độ thực đơn, nhà ăn, nhà bếp được duy trì theo đúng quy định quân đội. Công tác quản lý, sử dụng điện, nước; bảo quản trang, thiết bị, dụng cụ cấp dưỡng được thực hiện chặt chẽ, hiệu quả hơn trước. Việc phân công lao động trong nhà ăn mang tính chuyên sâu, hợp lý hơn nên năng suất lao động tăng cao; 1 nhân viên có khả năng phục vụ 30 người ăn. Đặc biệt, so với trước khi XHH, chi phí nhân công, phục vụ của các bếp XHH đã giảm được đáng kể. Số liệu thống kê 6 tháng đầu năm 2013 cho thấy: bình quân số người phục vụ tại các bếp XHH giảm từ 40-45%; chi phí phục vụ giảm từ 30-35%...  

Vì sao bếp ăn XHH ở Học viện Kỹ thuật Quân sự đạt kết quả tốt và được bộ đội đón nhận, ủng hộ? Trao đổi với các đồng chí cán bộ Phòng Hậu cần, chúng tôi được biết: Trước hết, Học viện đã tổ chức tốt việc đấu thầu để chọn đúng đối tác tin cậy, đặt niềm tin. PNK là nhà thầu có năng lực tổ chức, có kinh nghiệm phục vụ bếp ăn tập trung trên địa bàn nhiều năm qua; từ khâu tổ chức, quản lý, bảo đảm đến khâu sử dụng lao động đều được tổ chức hợp lý nên đạt hiệu quả cao. Nhưng quan trọng nhất là do Học viện quan tâm đúng mức đến công tác nuôi dưỡng bộ đội; tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc các khâu, các bước trong XHH. Trước khi XHH, Học viện cử cán bộ đi học tập kinh nghiệm tại các đơn vị làm trước, như Học viện Hậu cần, Học viện Chính trị… Học viện còn chỉ đạo các đơn vị có bếp XHH lựa chọn 5-6 nhân viên có trình độ, năng lực chuyên môn tốt, có tinh thần trách nhiệm cao bố trí vào Tổ quản lý, làm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát quá trình bảo đảm, phục vụ. Hằng tháng, cơ quan hậu cần và các đơn vị đều tổ chức kinh tế công khai để tiếp thu, khắc phục kịp thời những hạn chế, thiếu sót trong quá trình bảo đảm. Học viện còn đặt hòm thư góp ý, tổ chức phát phiếu thăm dò hằng tháng để người ăn phản ánh… Ngoài ra, Học viện khuyến khích người ăn phản ánh ý kiến của mình qua hệ thống mạng nội bộ...

Bên cạnh đó, Học viện còn có cơ sở vật chất hậu cần đồng bộ, được các cơ quan cấp trên đánh giá vào loại tốt nhất trong khối học viện, nhà trường toàn quân. Đặc biệt, Học viện đã xây dựng được khu tăng gia, chăn nuôi tập trung với diện tích 25 ha, đã bê tông hóa đường đi và lắp đặt đồng bộ hệ thống trạm biến áp, trạm phát điện, trạm bơm nước ngầm để phục vụ hoạt động TGSX… Tại đây, ngoài gần 3 ha rau xanh các loại, hơn 3.000 m2 giàn dây leo, Học viện còn đào 2,5ha ao nuôi cá, cùng hệ thống chuồng trại đồng bộ thường xuyên duy trì 150 con lợn nái, 700 con lợn thịt, hàng nghìn con gà, vịt đẻ trứng. Sản phẩm TGSX được thu hoạch, vận chuyển về bán cho nhà thầu sử dụng. Nhờ TGSX hiệu quả, nhiều năm qua, Học viện đã tự túc được 90% nhu cầu thịt lợn, 80-85% nhu cầu rau xanh và 100% định lượng trứng gia cầm với giá rẻ hơn thị trường từ 5-10%…

Có thể nói, chủ trương XHH công tác nuôi dưỡng bộ đội đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của đại đa số cán bộ, giáo viên, học viên Học viện Kỹ thuật Quân sự. Tuy nhiên, cũng còn một số khó khăn, vướng mắc, như: Việc bao tiêu sản phẩm tăng gia, chăn nuôi có thời điểm chưa được nhà thầu chú trọng; chất lượng tăng gia, chăn nuôi ở một số phân đội có chiều hướng chững lại; việc bố trí, sắp xếp nhân viên phục vụ dôi dư sau XHH đang gặp nhiều khó khăn... Được biết, thời gian tới, Học viện và các nhà thầu sẽ tiếp tục nghiên cứu, rút kinh nghiệm, điều chỉnh để các bếp ăn XHH ngày càng ổn định, phục vụ bộ đội tốt hơn, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của Học viện.

ĐÌNH PHƯỢNG-QUANG TRIỆU