Trong chiến dịch này, việc Hồng quân Liên Xô lựa chọn chiến dịch phòng ngự chiến lược có chủ định, chuẩn bị trước nhằm tiêu hao, làm tê liệt sức mạnh của đối phương và chủ động chuyển sang phản công, tiến công, trở thành nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự trong Chiến tranh thế giới thứ II. Thắng lợi trong chiến dịch này do nhiều yếu tố, trong đó công tác bảo đảm hậu cần (BĐHC) là một yếu tố quan trọng, thể hiện trên các nội dung sau:

Một là, Hồng quân đã phân công lại việc chỉ huy cơ quan giao thông quân sự và quy định trách nhiệm vận chuyển của hậu cần các cấp.

Theo sắc lệnh của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký ngày 7-3-1943, các cơ quan giao thông quân sự của Quân đội Xô viết các cấp không thuộc quyền chỉ huy của Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Tham mưu của các phương diện quân (PDQ) và tập đoàn quân (TĐQ), mà do Cục Giao thông quân sự Trung ương quản lý, dưới quyền chỉ huy của Chủ nhiệm Hậu cần Quân đội Xô viết. Các phòng giao thông quân sự thuộc quyền chỉ huy của chủ nhiệm hậu cần PDQ, TĐQ và quân khu. Bộ Tổng Tham mưu là cơ quan chịu trách nhiệm xây dưng kế hoạch vận chuyển, quy định tiêu chuẩn vận chuyển quân sự cho tất cả các loại tàu và kiểm tra kết quả thực hiện các đợt vận chuyển. Căn cứ vào kế hoạch của Bộ Tổng Tham mưu, Chủ nhiệm Hậu cần Quân đội Xô - viết chịu trách nhiệm lập kế hoạch vận chuyển, gửi đến cơ quan của Bộ Giao thông vận tải và tổ chức thực hiện. Với cách thức phân công chỉ huy này, các cơ quan giao thông quân sự luôn chủ động bảo đảm trong suốt cuộc chiến tranh, không để xảy ra trường hợp nào bị gián đoạn vận chuyển quân sự bằng vận tải đường sắt, đường thủy.

leftcenterrightdel
Các nữ xạ thủ tại Trường đào tạo nữ xạ thủ bắn tỉa năm 1943, ngôi trường này được thành lập năm 1942 tại làng Vishniaki, cách Matxcơva 14 km, các nữ xạ thủ có độ tuổi từ 18 đến 26, đến khi Thế chiến II kết thúc ngôi trường này đào tạo được 1.885 xạ thủ và giảng viên. (Ảnh tư liệu minh họa: Olga Shirnina)

Về trách nhiệm vận chuyển, theo quy định hệ thống BĐHC của Hồng quân Liên Xô trước đó, các binh đoàn và đơn vị tự đảm nhiệm vận chuyển trang bị, phương tiện, vật chất hậu cần (VCHC) từ kho cấp trên về đơn vị mình. Nhưng khi phát triển chiến đấu, kho hậu cần của một số đơn vị không theo kịp đội hình tác chiến, bị tụt lại phía sau nên các sư đoàn và trung đoàn không tự vận chuyển và bổ sung vật chất được. Vì vậy, tháng 6-1943, Hội đồng Quốc phòng quyết định chủ nhiệm hậu cần cấp trên chịu trách nhiệm việc vận chuyển phương tiện, VCHC cho đơn vị cấp dưới. Bộ Tham mưu Hậu cần chịu trách nhiệm là cơ quan tổng hợp nhu cầu vật chất, phương tiện hiện có, khả năng vận chuyển và đề ra các biện pháp vận chuyển đến chiến trường. Điều này giúp cho công tác bảo đảm, bổ sung VCHC cho cấp dưới trong tác chiến hiệu quả hơn. Điển hình là, sau các giai đoạn của chiến dịch phòng ngự, Hồng quân Liên xô đã tổ chức 2 chiến dịch phản công: O-ri-ôn (từ ngày 12-7 đến 18-8-1943) và Ben-gô-rốt - Khác-cốp (từ ngày 3 đến 23-8-1943). Do tốc độ tiến công, truy quét quân Đức rút chạy rất cao, cự ly giữa lực lượng bảo đảm và lực lượng chiến đấu cách xa nhau nhưng hậu cần cấp trên vẫn vận chuyển, bổ sung kịp thời vật chất, phương tiện cho cấp dưới.

Hai là, phân cấp dự trữ và điều hòa VCHC hợp lý trong từng giai đoạn tác chiến.

Trận hội chiến ở vòng cung Cuốc-xcơ, dưới hình thức tác chiến hiệp đồng quân binh chủng qui mô lớn, từ phòng ngự chủ động chuyển sang phản công, tiến công, do đó việc phân cấp dự trữ vật chất tại các đơn vị chiến đấu khoa học, hợp lý là rất quan trọng. Thực tế, trong giai đoạn chuẩn bị, PDQ Trung tâm đã đưa các kho dự trữ VCHC, đơn vị y tế, sửa chữa, vận hành… vào khu vực Cuốc-xcơ, Pha-te-đơ, Do-lô-tu-khi- nô. PDQ Vô-rô-ne-giơ di chuyển hậu cần vào các khu vực Xôn-che-vô, Pơ-da-vơ ngay sát các đơn vị. Tất cả các loại phương tiện, VCHC đưa về, các PDQ tiếp nhận, phân phối cho các TĐQ, sư đoàn để chuyển về kho đơn vị cất giấu cẩn thận. Mức dự trữ chung về phương tiện, VCHC ở các PDQ cao hơn nhiều so với lúc bắt đầu phản công ở Sta-lin-grát.

Về việc điều hòa VCHC trong các trận đánh, sau khi khối lượng lớn xăng ô tô tại các cơ sở ởXa-ra-tốp và nhà máy Krackin Xa-ra-tốp bị không quân Đức phá hủy, Cục Cung cấp nhiên liệu đã tìm các nguồn bổ sung thay thế bằng cách khai thác xăng ô tô ở các nhà máy chế biến dầu mỏ, giảm bớt cung cấp xăng cho các đơn vị đang tác chiến tại các địa bàn khác, rút bớt dự trữ xăng ô tô từ các kho dự trữ động viên... để đưa đến Cuốc-xcơ 22.000 tấn xăng ô tô bổ sung kịp thời cho các đơn vị. Khi chuyển sang phản công, do lượng tiêu hao nhiên liệu tăng lên, cơ quan hậu cần Trung ương đã nhanh chóng bổ sung, cấp thêm 11.000 tấn xăng ô tô cho các PDQ Trung tâm, Vô-rô-ne-giơ, Tây Nam và miền Nam, nhờ vậy đã giảm bớt sự thiết hụt về nhiên liệu ở các PDQ.

Ba là, huy động các nguồn lực hậu cần trong vùng cánh cung Cuốc-xcơ.

Trong trận chiến tại Cuốc-xcơ, các xí nghiệp công nghiệp gần mặt trận đã được huy động để sửa chữa xe tăng, máy bay, ô tô, phương tiện kỹ thuật... Rất nhiều người dân địa phương, trang bị, dụng cụ được huy động để may vá quân phục, quần áo bệnh viện, xây dựng công sự phòng ngự, sửa chữa đường sá. Khi xây dựng tuyến đường sắt Sta-nưu-ox-con - Rơ-đa-va, có khoảng 25.000 người thuộc tỉnh Cuốc-xcơ tham gia xây dựng cùng với bộ đội đường sắt và các đơn vị chuyên môn của Bộ Giao thông vận tải. Do huy động đông đảo lực lượng quần chúng tham gia, nhiệm vụ của Hội đồng Quốc phòng đề ra được thực hiện chỉ trong vòng 32 ngày, nhanh gần gấp đôi so với dự định. Bên cạnh việc chuẩn bị chiến dịch, cơ quan hậu cần của các PDQ đã tích cực giúp đỡ chính quyền địa phương, tổ chức đảng và nhân dân khôi phục các xí nghiệp, bệnh viện, trường học, nhà máy sản xuất bánh mì, xay bột đã bị tàn phá trước đó.

Bốn là, linh hoạt trong BĐHC cho các hình thức phòng ngự, phản công.

Khi bắt đầu chiến dịch phòng ngự, hậu cần các PDQ chú trọng tổ chức BĐHC cho lực lượng chống trả các cuộc tập kích của quân Đức và cho các binh đoàn đang bố trí lại đội hình chiến đấu. Tại PDQ Trung tâm, cơ quan hậu cần ưu tiên bảo đảm cho TĐQ số 13 đang chống lại các cuộc tập kích ác liệt của Đức. Do vậy, mỗi ngày phải cung cấp cho TĐQ này 2.500 tấn vật chất, chủ yếu là đạn pháo và vật liệu công binh. Để đảm bảo nhu cầu hàng hóa cho các đơn vị, PDQ Trung tâm tổ chức vận chuyển bằng ô tô theo kế hoạch của Bộ Tham mưu Hậu cần PDQ. Khi bổ sung VCHC cho TĐQ, sử dụng tiểu đoàn vận tải ô tô để vận chuyển, thuộc quyền chỉ huy của chủ nhiệm hậu cần PDQ. Phương pháp này giúp nâng cao hiệu suất sử dụng xe ô tô, tạo sự thống nhất trong chỉ huy, điều hành. Khi chiến dịch chuyển sang phản công, hình thái mặt trận thay đổi, phải đột phá chiều sâu chiến thuật, chiến dịch phòng ngự của đối phương, các PDQ được tăng cường số lượng lớn binh khí kỹ thuật, nhất là xe tăng và pháo binh. Để bảo đảm đạn cho mỗi loạt bắn trên hướng chính diện của các TĐQ cần phải có hàng chục toa tàu đạn pháo, nhất là khi bắn chuẩn bị trong thời gian 30 phút, cần tới hàng trăm toa tàu đạn. Tuy nhiên, quân Đức đã phá hủy đường sắt khi rút chạy nên nên việc sử dụng đường sắt để bố trí các cơ sở cung cấp xích lại gần nhau là không khả thi. Trước tình hình đó, Hồng quân Liên Xô đã linh hoạt triển khai nhiều phân kho tiền tiêu của các cơ sở dã chiến TĐQ xuống mặt đất. Sử dụng ô tô tải của các PDQ, TĐQ vận chuyển hàng hóa từ các ga tàu về các phân kho. Các binh đoàn sử dụng lực lượng, phương tiện cấp mình vận chuyển VCHC về kho. Khi các đơn vị cách xa cơ sở cung cấp hậu cần từ 300 - 500 km, thực hiện phương pháp chuyển thẳng bằng vận tải ô tô từ các kho PDQ, TĐQ xuống các sư đoàn và trung đoàn. Nhờ áp dụng linh hoạt các phương pháp trên, trong thời gian phản công, đơn vị vận tải ô tô của các PDQ đã vận chuyển được 600.000 tấn hàng các loại. Khối lượng vận chuyển trung bình 1 ngày đêm đạt gần 23.000 tấn, đáp ứng kịp thời nhu cầu VCHC cho binh lính truy kích quân Đức rút chạy.

Những phương pháp BĐHC linh hoạt của Hồng quân Liên Xô trong chiến dịch phòng ngự, phản công Cuốc-xcơ năm 1943 đã góp phần tạo nên sự độc đáo trong nghệ thuật quân sự Chiến tranh thế giới thứ II. Đây là những nội dung cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, phát triển, phù hợp với điều kiện thực tiễn trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc Việt Nam tương lai (nếu xảy ra).

Thiếu tá, ThS ÂU ĐỨC THẮNG (Bộ Tham mưu Hậu cần)