Ca phẫu thuật lịch sử
Trung tướng, GS,TS Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện TWQĐ 108 cho biết, bệnh nhân Trần Ngọc Hanh (54 tuổi, quê Nam Định) bị bệnh phổi phế quản tắc nghẽn giai đoạn cuối, thường xuyên phải cấp cứu tại Bệnh viện trong tình trạng thở máy oxy liên tục, sức khỏe ngày càng suy sụp, đe dọa tử vong bất cứ lúc nào. Để duy trì sự sống, bệnh nhân chỉ có cách là được ghép phổi. Vì thế, sau khi gia đình Thiếu tá Lê Hải Ninh đồng ý hiến phổi và tạng của anh, các bác sĩ Bệnh viện TWQĐ 108 đã làm các xét nghiệm và quyết định ghép phổi để cứu ông Hanh.
Đây là quyết định mang tính lịch sử không chỉ ở Bệnh viện TWQĐ 108 mà còn đối với lĩnh vực ghép tạng tại Việt Nam. Ca ghép đòi hỏi kỹ thuật rất cao vì tính phức tạp, phải tiến hành khẩn trương, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các khâu, lực lượng trong suốt quá trình từ khi có người hiến đến khi ghép. Việc ghép phổi từ người cho còn sống đã khó, ghép phổi từ người cho đã chết não còn khó khăn hơn rất nhiều. Vì lúc này, các bác sĩ luôn ở trong trạng thái “khẩn cấp”, yêu cầu phải hồi sức tốt, đảm bảo giữ nguyên vẹn 2 lá phổi để tiến hành các kỹ thuật ghép.
|
|
Các thầy thuốc thực hiện ca ghép phổi đầu tiên từ người cho chết não. Ảnh: CTV. |
Để thực hiện ca ghép này, Bệnh viện đã chuẩn bị kỹ về cơ sở vật chất, trang thiết bị, lựa chọn đội ngũ thầy thuốc, nhân viên có trình độ chuyên môn cao nhất để tham gia ekip phẫu thuật gồm 60 bác sĩ, phẫu thuật viên cùng sự hỗ trợ của các chuyên gia hàng đầu về gây mê hồi sức và ghép phổi của nước ngoài. Bệnh viện đã khẩn trương hội chẩn các kíp ghép, hội chẩn liên viện, đồng thời, tổ chức hội chẩn quốc tế với các chuyên gia của Bệnh viện Foch (Pháp), nơi được coi là trung tâm ghép tạng hàng đầu châu Âu, hiện đang phối hợp đào tạo các phẫu thuật viên cho Bệnh viện. Sau khi hội chẩn, đích thân các giáo sư hàng đầu của Bệnh viện Foch đã trực tiếp bay sang Việt Nam hỗ trợ ca ghép.
Cùng với việc chuẩn bị cho 1 ca ghép phổi, 1 ca ghép thận và 01 ca ghép giác mạc tại chỗ, Bệnh viện còn phối hợp với Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia và các bệnh viện khác để ghép giác mạc cho một bệnh nhân ở Bệnh viện Mắt Trung ương và vận chuyển quả tim và 1 quả thận cho Bệnh viện Chợ Rẫy ghép cho 2 bệnh nhân. Vì vậy, khi phẫu thuật lấy tạng, các phẫu thuật viên đều làm cẩn trọng để các bệnh viện khác nhận được tạng trong trạng thái tốt nhất. Tuy nhiên, nếu hồi sức cho phổi ở tình trạng tốt nhất thì dễ ảnh hưởng đến các tạng khác, nên các bác sĩ phải tính toán để tất cả các tạng đều có chất lượng như nhau. Các bác sĩ đã quyết định lấy quả tim trước rồi chuyển ngay trên một chuyến bay rồi tiếp tục đưa một quả thận lên một chuyến bay khác để chuyển vào Bệnh viện Chợ Rẫy. Để vận chuyển được 2 tạng vào Thành phố Hồ Chí Minh, các bệnh viện đã phải tính toán, hiệp đồng chặt chẽ với nhau, phối hợp với hãng hàng không Việt Nam để bố trí chuyến bay phù hợp nhất và Công an Thành phố Hồ Chí Minh để bố trí cảnh sát dẫn đường, bởi nếu kéo dài thời gian vận chuyển sẽ làm hỏng tạng. Nhờ sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ nên ca ghép đa tạng cùng lúc ở nhiều bệnh viện, trong đó có ca ghép phổi đầu tiên từ người cho chết não đã thành công tốt đẹp.
Từ khi nhận được tin người chết não hiến tạng cho đến khi hoàn thành ca ghép, các bác sĩ của Bệnh viện chỉ thực hiện trong thời gian chưa đầy 40 giờ. Riêng ca ghép phổi diễn ra trong 7 giờ, không có sai sót xảy ra. Tại cuộc họp báo do Bệnh viện TWQĐ 108 tổ chức, ông Trần Ngọc Hanh đã giao lưu trực tuyến với mọi người từ phòng chăm sóc đặc biệt. Ông cho biết đã khỏe hơn rất nhiều so với trước khi mổ, hiện đã tự thở, không cần máy móc và tự ăn uống, vận động. Ông cũng bày tỏ lòng biết ơn đặc biệt tới Thiếu tá Lê Hải Ninh và gia đình đã giúp ông có thêm cơ hội để tiếp tục được sống.
Cao đẹp ngay cả khi đã mất
Sau khi ca ghép đa tạng được tổ chức thành công, Bệnh viện TWQĐ 108 đã tổ chức trọng thể Lễ tôn vinh Thiếu tá Lê Hải Ninh và gia đình anh. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; Thượng tướng Bế Xuân Trường, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng... cùng đông đảo đại diện các cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội đã tới dự. Tại buổi lễ, Trung tướng, GS,TS Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện TWQĐ 108 xúc động phát biểu: “...Ở nơi đồng chí đã cho đi, suối nguồn sự sống của đồng chí sẽ tiếp tục được nối dài, hình ảnh và cơ thể của đồng chí sẽ vẫn mãi còn lại trong trái tim và ký ức những người ở lại...!”.
Thiếu tá Lê Hải Ninh được bệnh viện tuyến trước chuyển đến Bệnh viện TWQĐ 108 ngày 23/02/2018 với chẩn đoán trạng thái sau hồi sinh tim phổi do đột quỵ não xuất huyết dưới nhện lan tỏa, phù não nặng. Bệnh nhân đã được hồi sức và điều trị tích cực nhưng tình trạng bệnh ngày càng nặng hơn. Hội đồng chuyên môn Bệnh viện đã hội chẩn và kết luận bệnh nhân chết não. Khi biết chồng mình không thể qua khỏi, chị Tạ Thị Kiều, vợ anh Ninh đã bàn với gia đình tình nguyện hiến tạng của anh để giúp cứu những người bệnh khác và được mọi người ủng hộ. Những giờ phút cuối cùng trước khi vĩnh biệt để các bác sĩ đưa anh vào phòng phẫu thuật, chị Tạ Thị Kiều đã chạm khẽ vào tay chồng và nói: “Em muốn anh cứu được nhiều người khác, anh không thể ở lại, anh ra đi nhưng em muốn trái tim anh vẫn đập, phổi anh vẫn thở và đôi mắt của anh vẫn sáng để thấy được mẹ con em sống ra sao”.
|
|
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến truy tặng Kỷ niệm chương "Vì sức khỏe nhân dân" cho gia đình Thiếu tá Lê Hải Ninh. Ảnh: CTV. |
Từ quyết định của gia đình Thiếu tá Lê Hải Ninh, Bệnh viện TWQĐ 108 đã hợp tác, điều phối lấy và ghép tạng cùng giác mạc cho 6 bệnh nhân. Đến thời điểm này, sức khỏe của 6 bệnh nhân đều tiến triển rất tốt.
Tại buổi Lễ tôn vinh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã truy tặng Kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” cho Thiếu tá Lê Hải Ninh, đồng thời, đánh giá cao những nỗ lực của các thầy thuốc của Bệnh viện trong việc đưa các kỹ thuật ghép tạng phức tạp thành kỹ thuật thường quy. Bộ trưởng cũng đề nghị vận động, thành lập quỹ hỗ trợ cho bệnh nhân ghép tạng, bởi chi phí ghép tạng hiện rất lớn, nhiều bệnh nhân nghèo không có khả năng chi trả... Cũng nhân dịp này, lãnh đạo Bệnh viện TWQĐ 108 đã quyết định trao tặng thẻ bảo hiểm y tế khám chữa bệnh ban đầu tại Bệnh viện cho thân nhân Thiếu tá Lê Hải Ninh và cam kết tuyển dụng các con của anh vào làm việc tại Bệnh viện, nếu sau này các cháu theo sự nghiệp y khoa và có nguyện vọng.
Những hành động cao đẹp của Thiếu tá Lê Hải Ninh và gia đình, cùng với tinh thần nỗ lực, trách nhiệm, cũng như tình cảm tri ân kịp thời của Bệnh viện TWQĐ 108 vừa qua đã lần nữa tô thắm thêm hình ảnh cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ. Đây cũng là dịp để lan tỏa tới cộng đồng về tình yêu thương và trách nhiệm của mỗi người với đồng loại. Được biết, từ thành công này, sắp tới, Bệnh viện TWQĐ 108 sẽ tự tin triển khai ghép khối tim phổi, ghép tim, ghép chi thể, ghép tử cung, ghép ruột... để giành lại sự sống cho nhiều bệnh nhân.♦
KHÁNH TÚ